Theo các báo chính thống đưa tin, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, ngày 22/6, hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt của Đức.
Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.
Để đảm bảo vận hành luồng hàng thương mại điên tử xuyên biên giới đối với mặt hàng nông sản tươi, Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (được bảo trợ bởi Viettel Post) đã bắt tay vào việc xây dựng gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global từ tháng 3/2021. Gian hàng quốc tế này là nơi để người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm nông sản chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam.
Vụ vải thiều tại Bắc Giang năm nay, ngoài việc phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ trong nước, việc Vỏ Sò đưa đặc sản này lên gian hàng quốc tế Vỏ Sò Global, giúp kiều bào Việt Nam, người tiêu dùng châu Âu được thưởng thức quả vải Việt Nam tươi ngon, đạt chuẩn xuất khẩu một cách thuận tiện và dễ dàng nhất thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới", người tiêu dùng nước ngoài sau 4 - 5 ngày sẽ nhận được vải Việt Nam tận nhà. Theo đó, người mua đặt hàng trên sàn thương mại điện tử, trực tiếp thanh toán qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn. Sau đó, đơn hàng sẽ được gom và vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu trong một phạm vi nhất định.
Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP của Lục Ngạn, Bắc Giang đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và tại châu Âu, được dán tem truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi Công ty CP Icheck Việt Nam.
Được biết, để thông luồng xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương cũng đã giao các cơ quan liên quan hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải, để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Australia và Tây Australia. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển. Vậy còn ý kiến của bạn về thông tin này như thế nào, xin vui lòng bình luận bên dưới để chúng ta cùng lan tỏa những tín hiệu tốt đẹp của ngành nông nghiệp Việt Nam khi mạnh mẽ thực hiện việc chuyển đổi số.