Ảnh minh họa nguồn internet
Với lợi thế địa hình đồi núi, cây chè được trồng phổ biến tại các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang… Toàn huyện có tổng diện tích chè 1.750ha, trong đó, 474ha trồng mới, năng suất 12 tấn/ha/năm, đạt 300-500 triệu đồng/ha.
Được thiên nhiên ưu đãi cùng kỹ thuật sao chế gia truyền, chè Ba Trại hấp dẫn bởi nước xanh, thơm nhẹ, vị chát dịu… Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Ba Vì triển khai mô hình sản xuất - tiêu thụ chè an toàn với mục đích xây dựng vùng sản xuất chè chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng đồi gò… Mô hình đã hướng dẫn nông dân thâm canh chè VietGAP, cơ giới hóa sản xuất chè an toàn, cải tạo giống chè già cỗi…, tạo tiền đề quan trọng để người dân và chính quyền địa phương hướng tới phát triển du lịch từ vùng chè sạch.
Chị Tô Mai Phương ở quận Hà Đông - một du khách trải nghiệm vùng chè xanh Ba Vì chia sẻ: “Vui nhất là công đoạn hái chè, được trang bị giỏ đựng chè, hướng dẫn cách hái… Thú vị nữa là khách được tạo dáng chụp ảnh với những vườn chè xanh mát, thưởng thức trà xanh, sạch cùng quà quê như kẹo lạc, kẹo dồi, bánh rán… Ngoài hái chè, thưởng trà, tôi còn được tham quan công đoạn sao, vò, tạo hương… Đặc biệt, các cháu trong gia đình cùng đi rất vui bởi ngoài trải nghiệm thú vị còn được bổ sung kiến thức đời sống thôn quê rất bổ ích”.
Đường đến thôn 2, xã Ba Trại đâu đâu cũng thấy vườn chè xanh mát, yên bình, người dân cần cù và mến khách… Ông Nguyễn Văn Cứ - một hộ trồng chè ngon nổi tiếng ở xã này cho hay, trong thôn, nhà nào cũng có ít nhất từ 5 sào tới 1 mẫu chè. Nhiều hộ nhờ cây chè đã thoát nghèo và chè đang trở thành một trong những đặc sản của Ba Vì. Mong muốn của người trồng chè sạch nơi đây là năng suất cao, bán được giá tốt, thêm nguồn thu nhập từ dịch vụ trải nghiệm sản xuất chè kết hợp văn hóa ẩm thực địa phương…
Ảnh minh họa nguồn internet
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển, hiện toàn xã có tổng diện tích cây chè đạt 471ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 436ha, năng suất đạt 9 tấn/ha, sản lượng 4.239 tấn; 40ha chè đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong xã, 80% lao động địa phương tham gia trồng, sản xuất chè. Nhờ đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng VietGAP, người dân trong xã đã giảm tới 90% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè, nhờ đó, môi trường ngày càng trong lành.
Những năm gần đây, xã bắt đầu đón những đoàn khách tham quan vườn chè, trải nghiệm quy trình sản xuất chè thủ công.
“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh du lịch cộng đồng, đặc biệt là các vùng sản xuất chè, vận động bà con chỉnh trang đường làng, ngõ xóm để làng quê thêm tươi đẹp”, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Chuyển chia sẻ.
Ảnh minh họa nguồn internet
Nói về vùng chè của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên khẳng định, thành công này có sự hỗ trợ rất lớn của ngành Nông nghiệp Hà Nội về cải tạo những vườn chè già cỗi, xen canh nương chè mới; mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người trồng chè nơi đây thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến trồng chè sạch… Sau gần 10 năm phát triển vùng chè gắn với du lịch sinh thái, huyện đã xây dựng được các vùng chè có thương hiệu như làng chè Ba Trại, làng chè đá Chông xã Minh Quang… trở thành những điểm hấp dẫn du khách.