Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, trong đó có điều khoản cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm... Điều kiện là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và sử dụng pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Trước thềm Tết Dương lịch 2021, nhiều người thắc mắc, nghị định mới được ban hành ngày 27/1/2020, vậy phải chăng đến đầu năm mới này, người dân đã có thể mua pháo hoa về đốt mà không sợ bị xử phạt?
Không phải như vậy. Vì Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, khi Tết Dương lịch đã qua cả chục ngày. Phải sau mốc thời gian này, chúng ta mới được phép sử dụng pháo hoa. Nghĩa là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, những người yêu thích không khí vui vẻ hào hứng mà pháo hoa mang lại có thể mua nó về đốt.
Pháo hoa người dân được đốt là loại pháo nào?
Để tránh sự hiểu lầm của người dân dẫn đến vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, cơ quan chức năng nhấn mạnh, cần phân biệt khái niệm "pháo hoa" và "pháo hoa nổ".
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Pháo hoa trong hình là pháo hoa nổ, không phải loại pháo hoa mà cá nhận được phép sử dụng. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Còn pháo hoa nổ nằm trong nhóm pháo nổ - sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ, gồm 2 loại tầm thấp và tầm cao.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Thế nào là đủ năng lực hành vi để được đốt pháo hoa?
Để được phép sử dụng pháo hoa sau khi Nghị định mới có hiệu lực, bạn phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người từ đủ 18 tuổi trở lên được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp sau:
Mất năng lực hành vi dân sự: Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
Hạn chế năng lực hành vi dân sự: Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
Các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự được xác định và tuyên bố bởi các cơ quan chức năng.