Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020 thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách tham dự.
Sức hấp dẫn của một sản phẩm văn hóa
Thời tiết Hà Nội trong những ngày cuối tuần nắng ấm khiến cho không gian khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội trở thành điểm đến thu hút nhiều gia đình và giới trẻ đến để thư giãn. Sự kiện Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại năm 2020 với nhiều hoạt động trưng bày, trình diễn sản phẩm, biểu diễn văn hóa phi vật thể... càng trở nên hấp dẫn đông đảo người dân và du khách.
Chị Nguyễn Thu Trang (quận Nam Từ Liêm) cùng gia đình tham dự lễ hội cho biết, chị thích nhất không gian sắp đặt cảnh làng quê Việt Nam. Vào buổi tối, từ mô hình đình làng có thể nhìn thấy Tháp Rùa lung linh rất đẹp.
Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Quân (quận Đống Đa) cho biết, các con anh ấn tượng với không gian trưng bày, trình diễn tò he của các nghệ nhân làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) với các mô hình lớn được làm bằng bột nặn giới thiệu cảnh sắc, công trình đặc trưng của Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, cầu Nhật Tân, bảo tàng Hà Nội...
"Vì dịch Covid-19 nên khá lâu rồi, người dân mới được thưởng thức một lễ hội văn hóa dân gian đường phố hấp dẫn như vậy. Lễ hội cho thấy sức sống của các làng nghề Hà Nội hiện nay cũng như sự tài hoa, sáng tạo của nghệ nhân Hà Nội", anh Nguyễn Anh Quân bày tỏ.
Không gian trưng bày và trình diễn tò he của các nghệ nhân làng tò he Xuân La hấp dẫn nhiều trẻ em.
Mô hình cầu Nhật Tân được các nghệ nhân tò he Xuân La thực hiện bằng bột nặn trong hơn một tháng mới hoàn thành.
Theo bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), tính đến 17h ngày 13-12, lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách. Mặc dù, quy mô tổ chức năm nay đơn giản hơn để bảo đảm giãn cách, phòng, chống dịch, song lễ hội vẫn được tổ chức quy củ, tạo nhiều không gian vui chơi, trình diễn, thưởng thức nghệ thuật văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và khám phá của người dân.
Đa dạng sắc màu làng nghề Hà Nội
Khu vực Nhà Bát Giác (đằng sau Tượng đài Lý Thái Tổ) là không gian trưng bày của rất nhiều làng nghề Hà Nội, như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình); dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn, mây tre đan, chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)...
Gia đình nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng (Ngũ Xã) mang đến lễ hội các sản phẩm đúc đồng đặc trưng là những bức tượng, lư hương, đôi hạc..., cho thấy nét tinh xảo của sản phẩm đúc đồng Hà Nội.
Trong khi đó, góc trưng bày sản phẩm chuồn chuồn tre của các nghệ nhân ở Thạch Xá lại hấp dẫn du khách bởi thao tác chuẩn mực của các nghệ nhân để làm nên một sản phẩm thủ công độc đáo của người Hà Nội.
Gian trưng bày của nghệ nhân khảm trai Chuyên Mỹ với bộ "sập gụ tủ chè" được khảm trai nhiều tháng nay cũng khiến không ít du khách "xuýt xoa" vì độ công phu, kỳ công.
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019 cùng với sự kiện công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đến nay, hoạt động tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân và du khách.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, năm nay, các quận, huyện, thị xã và nghệ nhân các làng nghề, các nhóm sáng tạo văn hóa đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với thành phố tổ chức không gian văn hóa để người dân thưởng thức, đồng thời góp phần hiệu quả vào việc quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô.