Ảnh internet
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Bernardo Strassburg, Giám đốc Viện quốc tế về bền vững, nỗ lực khôi phục các khu vực ưu tiên sẽ đóng góp lớn giúp nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và đa dạng sinh học. Nghiên cứu nhấn mạnh việc khôi phục các vùng đầm lầy về trạng thái tự nhiên sẽ mang lại lợi tức đầu tư cao nhất, cả trong việc ngăn ngừa các loài động, thực vật biến mất lẫn làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, các khu rừng nhiệt đới là khu vực ưu tiên phục hồi bậc hai mặc dù tất cả các hệ sinh thái khác nhau, bao gồm các khu rừng ôn đới, thảo nguyên và các vùng đất có nhiều bụi rậm, cũng có vai trò nhất định. Nhìn chung, các khu vực được ưu tiên để phục hồi theo kế hoạch trên có diện tích gần 9 triệu km2, gần bằng diện tích của Brazil. Nghiên cứu cũng xét tới chi phí, kết luận rằng việc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí ít nhất 10 lần so với các nỗ lực phân bổ một cách ngẫu nhiên.
Mặc dù vậy, việc phục hồi nguyên trạng đất nông nghiệp trong một thế giới vẫn còn vật lộn với tình trạng đói kém trong khi dân số được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực. Nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng năng suất nông nghiệp khiêm tốn, nỗ lực giảm 50% chất thải thực phẩm và việc con người thay đổi chế độ ăn khi cắt giảm lượng thịt và sữa sẽ giúp kế hoạch trên trở nên khả thi. Ông Strassburg nhấn mạnh việc khôi phục nguyên trạng đất nông nghiệp không phải là điều dễ dàng và đòi hỏi sự phối hợp chung giữa người dân và chính phủ các nước trên thế giới.
Liên hợp quốc (LHQ) gọi những năm 20 của thế kỷ này là Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái. Nhiều công ty coi việc đổi mới môi trường tự nhiên là "những mục tiêu dễ đạt được" với chi phí thấp hơn nhiều so với các giải pháp kỹ thuật hoặc công nghệ. Tuy nhiên, ông Strassburg cho biết điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các quốc gia có chọn đi theo con đường "phục hồi xanh" sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra hay không.
Cho tới nay, những nỗ lực bảo vệ và khôi phục thiên nhiên trên quy mô toàn cầu đã gặp nhiều thất bại. "Hành tinh Xanh" đang cận kề bờ vực của cuộc đại tuyệt chủng lần 6, khi các loài động, thực vật có thể biến mất nhanh gấp 100 tới 1.000 lần so với tốc độ bình thường. Năm ngoái, Ban cố vấn khoa học của LHQ về đa dạng sinh học từng cảnh báo 1 triệu loài sinh vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, chủ yếu do mất môi trường sống và tình trạng khai thác quá mức của con người.