Các vị chủ trì hội thảo.
Đây là hoạt động thiết thực Chào mừng 46 năm Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021).
Tới dự có đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, Hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội cùng hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ Hoa Cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Đại biểu tham gia hội thảo.
Tham luận tại hội thảo cho biết: Đến nay cả nước có khoảng 45 nghìn ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền. Trong vòng 10 năm (2005-2015), diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…Tuy nhiên sự phát triển đó, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh còn manh mún, tự phát; Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; Thị trường hoa cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp (nhất là luồng ý kiến trái triều về hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua).
GS TSKH Trần Duy Quý phát biểu tại hội thảo.
Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên Thế giới. Tiếp nối những giá trị của phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển Hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 03/09/1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển rau, hoa quả giai đoạn (1999 – 2010); Ngày 08/06/2004, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về Phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái (Văn bản số 116/TB – VPCP); Ngày 04/05/2009, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ đạo về phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao (Văn bản số 485/TB – VPTW); Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh trở thành một trong bảy ngành nghề phát triển nông thôn.
Cụ Lê Quang Khang 92 tuổi tham luận "Hoa lan là loại hoa cao quý nhất"
Lý giải về điều này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch – Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, đó là bởi chúng ta chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hàng hoa, cây cảnh theo chuỗi giá trị. Sản xuất chưa gắn với yêu cầu thị trường. Việc tiếp cận chính sách, nhất là vốn vay để đầu tư phát triển lĩnh vực này còn phức tạp.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển cho lĩnh vực hoa, cây cảnh đều có, xong việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chính sách về ứng dụng công nghệ cao hiện vẫn đang được thực hiện theo nghị định cũ nên chưa tạo được đột phá nâng cao giá trị gia tăng. Công tác quy hoạch vùng chuyên canh hoa, cây cảnh để phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng…
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực hoa, cây cảnh, GS.TSKH Trần Duy Quý – Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất. Trong đó, tập trung vào các khía cạnh tích tụ đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh…
Luật sư Lê Thị Hồng Thơm Công ty Luật Dương Nữ - TP Hồ Chí Minh giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc mua bán hoa cây cảnh, nhất là thuế đối với lĩnh vực hoa cây cảnh.
Trong khi đó, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đổi mới công nghệ chọn tạo giống hoa, cây cảnh và công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong đó, tập trung vào một số loại hoa cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu như: Lan, Lily, cẩm chướng…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí (ảnh trên): Riêng tại Hà Nội, hiện đã phát triển được trên 6.000ha chuyên canh hoa, cây cảnh và 11 làng nghề truyền thống trong lĩnh vực này. TP cũng đã xác định 4 sản phẩm hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực để khuyến khích đầu tư gồm: Hoa lan, hoa hồng, hoa lily và hoa đào. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất hoa, cây cảnh trên địa bàn TP liên tục được gia tăng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Xác định hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực, Hà Nội đã hỗ trợ chủ thể đẩy mạnh hoàn thiện chất lượng hoa, cây cảnh. Hiện, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận các sản phẩm hoa là sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy kết nối, giao thương các sản phẩm hoa, cây cảnh nói chung. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập. Ngành hoa, cây cảnh được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh. Theo đó, các tổ chức hội nghè nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định giá sản phẩm, gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát… Hà Nội cũng đề nghị trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Đồng thời, mong muốn các hội, chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý Nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh…
Từ thực tiễn đó, GS TSKH Trần Duy Quý bày tỏ mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận có thêm những đánh giá khách quan, đa chiều, cũng như khẳng định đúng mức vị trí, vai trò của ngành Hoa cây cảnh trong phát triển kinh tế xã hội.
Tại Hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, BTC cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung phân tích làm rõ một số nội dung cơ bản: Đánh giá thực trạng phát triển Hoa cây cảnh trong những năm vừa qua; Tư vấn phản biện chính sách để Hoa cây cảnh thực sự là ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và xây dựng Đô thị sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
Ngay tại Hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội SX&KD Hoa lan Việt Nam (ảnh trên); Ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 01 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động.