Nhận diện và phản bác quan điểm xuyên tạc, chống phá:
Quan điểm thứ nhất, bằng những luận điệu kích động, các thể lực thù địch ra sức tuyên truyền và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX, nó chỉ thích hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, chỉ thích hợp với văn minh cơ khí, còn bây giờ nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI - là thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã bị lỗi thời, không phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 cũng như không phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận, đánh giá khách quan rằng tất cả những sự biến đổi đó đều xuất phát từ những nguyên lý, quy luật cơ bản trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin nêu lên là không thay đổi, có giá trị trường tồn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại mà không một học thuyết nào có thể thực hiện được vai trò đó.
Quan điểm thứ hai, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là sản phẩm của Việt Nam, nó là “ngoại lai”, “ngoại nhập” từ phương Tây, không phù hợp với Việt Nam là một xã hội phương Đông, kinh tế lạc hậu; thậm chí có ý kiến nói “du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử”, do đó “cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.
Quan điểm trên đây là sai lầm vì không hiểu được sức mạnh của sự trừu tượng hóa, khái quát hóa của lý luận Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là lý luận khoa học nên cũng giống như các khoa học khác (kể cả khoa học tự nhiên) có giá trị phổ quát, vượt biên giới quốc gia - dân tộc, còn khi áp dụng nó đương nhiên phải chú ý đến điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia - dân tộc để tránh giáo điều, máy móc. Những quy luật của chủ nghĩa Mác vạch ra không chỉ đúng với các nước phát triển mà còn đúng cả với các nước kém phát triển. Vì vậy, về mặt phương pháp luận như C. Mác đã từng chỉ ra, trong cái phát triển cao chứa đựng cái phát triển ở trình độ thấp hơn dưới dạng lọc bỏ.
Trong quá trình vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới trên một loạt vấn đề, như mục tiêu, đặc trưng và phương hướng cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,... đó là những vấn đề không có sẵn trong di sản kinh điển mác-xít. Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đó thì không có được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được trong gần 35 năm đổi mới.
Quan điểm thứ ba, đem đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận cả chủ nghĩa Mác - Lê-nin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh.
Quan điểm trên đây là sai lầm cả về lịch sử và lô-gic. Về mặt lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh có cội nguồn và được hình thành từ việc kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chính là nguồn gốc lý luận quan trọng nhất, là cơ sở chủ yếu nhất để hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nghiên cứu thực tiễn và tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, khắc phục được sự khủng hoảng về con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử mới. Như vậy, về mặt lô-gic, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lê-nin chứ không có sự đối lập như một số người tưởng tượng ra. Và do đó cũng không có cái gọi là “cuộc nội chiến về tư tưởng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin” từ năm 1930 đến nay ở Việt Nam như có người nhận định.
Nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới:
Trước âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Một là, tăng cường bảo vệ vững chắc hệ thống lý luận của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thường xuyên tổng kết, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước; phát huy có hiệu quả vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, thực hiện có hiệu quả xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ “xây” đi đôi với “chống”; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và tổ chức đảng; thực hiện tốt nguyên tắc “phê bình và tự phê bình”. Đồng thời, nâng cao khả năng nhận diện những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của bộ phận cán bộ đảng viên; đập tan mọi thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Ba là, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ nghiên cứu viên, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, công an, quân đội, … là những lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội tham gia xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đa dạng hoá các loại hình, phương pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, kết hợp có hiệu quả tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, các buổi sinh hoạt tại cơ sở giúp cho người dân kịp thời nắm bắt được những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng; tình hình chính trị- kinh tế- xã hội trong và ngoài nước. Sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng: báo, đài, trang web, tạp chí… qua mạng xã hội: facebook, tiktok, youtube… cần tận dụng đa dạng các loại hình để tuyên truyền, cung cấp thông tin, định hướng dư luận nhằm tăng khả năng nhận diện, tăng sức đề kháng trước những luồng thông tin không chính thống, phản động; khích lệ tinh thần đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Năm là, thường xuyên tổng kết, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông đại chúng. Ban hành những văn bản pháp luật để kịp thời răn đe, xử lý những cá nhân có hành vi vi phạm, những phần tử cơ hội, thoái hoá, biến chất chống phá Đảng, Nhà nước ta.