Nghề chạm khắc đá Ninh Vân
Nghề chạm khắc đá Ninh Vân có nguồn gốc từ làng Xuân Vũ (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) nổi tiếng khắp cả nước bởi những tác phẩm độc đáo. Nghề có từ rất lâu, nhiều thợ giỏi của làng đã tham gia xây dựng đền, chùa và kinh thành Hoa Lư từ thời vua Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) hay các thành quách, chùa chiền thời Lý (1010 - 1225), thời Trần (1225 - 1400) ở Thăng Long.
Điểm nổi bật của nghề chạm khắc đá Ninh Vân là tác phẩm thường được làm từ những khối đá xù xì; bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên những bức tượng, hương án, ngai, cầu, cổng... tinh xảo. Các sản phẩm của Ninh Vân có độ bền cao, bởi thế, thợ giỏi của làng thường được mời thi công, tạo tác các tác phẩm, công trình bằng đá khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Nghề cói Kim Sơn
Kim Sơn gắn bó với nghề dệt cói nổi tiếng của Ninh Bình gần hai thế kỷ qua. Hiện nay, huyện Kim Sơn có 20 làng nghề được công nhận là làng nghề dệt cói truyền thống, với các mặt hàng như: Chiếu, thảm, làn, khay, túi xách, mũ...
Sản phẩm cói Kim Sơn có độ bền cao, màu sắc rực rỡ, mẫu mã đa dạng. Đặc biệt, để có những sợi cói bóng, đẹp, người thợ phải tuyển chọn từng cây cói, chẻ, nhuộm rồi phơi đủ nắng để cói bền chắc, giữ được màu. Sản phẩm nổi tiếng nhất của cói Kim Sơn là chiếu cói với bí quyết nằm ở khâu dệt cải hoa - người thợ phải thao tác thật nhanh, chính xác để dệt nên những chiếc chiếu có hoa văn sắc nét, độc đáo.
Nghề thêu ren Văn Lâm
Làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) nằm trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Tương truyền, nghề thêu ren có từ cách đây 800 năm, do bà Trần Thị Dung - vợ Thái sư Trần Thủ Độ truyền dạy cho người dân. Bằng những sợi chỉ mảnh mai cùng đôi bàn tay khéo léo, người thợ “vẽ” nên những bức tranh thêu đầy tính nghệ thuật với đề tài phong phú. Sản phẩm thêu ren Văn Lâm thể hiện sinh động trên các đồ dùng như: Quần áo, ga, gối, rèm cửa..., được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.