Những ngày đầu thu, việc gặt hái cũng nhiều thuận lợi, nắng không còn gắt như nắng hè, trời xanh trong vắt khiến người đi gặt không quá mệt mỏi. Có những lúc mây trắng bồng bềnh che nắng, gió từ rừng ào về, mơn man hương lúa khắp cánh đồng. Buổi sáng sớm, đi gặt còn thấy sương giăng bảng lảng trên ngọn lúa, chúng từ từ bay lên, tụ lại thành những đám mây nhè nhẹ lưng chừng núi. Bức tranh phong cảnh được con người và tạo hóa phối hợp vẽ lên lung linh sắc vàng của lúa, sắc xanh của rừng núi, sắc trắng của mây, sương.
Lúa được mùa nặng bông, đất trời dịu nhẹ, từ người lớn đến trẻ con, ai đi gặt cũng hào hứng, háo hức. Người lớn năm nay đi gặt cũng nhàn hơn nhiều rồi, ở bản Chiềng Đi mới buổi sáng còn thấy cánh đồng rộng thênh thanh vàng ươm thóc trên ruộng, gần trưa đi qua đã chỉ thấy cánh đồng còn trơ cuống rạ. Một máy gặt đập liên hợp và 3 người thợ đã thổi bay đám lúa trong buổi sáng, thóc vào bao chở về, rơm tấp đống trên bờ. Trẻ con cũng không phải nhúng tay vào hỗ trợ người lớn như xưa, chúng chỉ ngồi trên bờ ngó, hoặc tìm chỗ nào có cây ổi, cây bưởi, hái quả, tụm tụm ngồi chén và cười.
Mấy cụ bà không phải ra ruộng gặt, ở nhà chuẩn bị làm cơm mới mời bà con, họ hàng đến ăn mừng. Người Thái, người Dao, người Hmong đều làm cơm mới cả, tục này chung cho những người trồng lúa ở vùng cao thì phải. Những hạt gạo mới sẽ được dâng lên trời đất, tổ tiên trước để cảm tạ sự phù độ cho một vụ mùa suôn sẻ, thuận lợi. Riêng người Thái ở Mộc Châu trong bữa cơm mới có món xôi cốm rất lạ, ăn khá ngon. Cũng chọn bông lúa chưa hẳn già để làm, nhưng người Thái không phải cốm giã như ở xuôi, mà đem đồ thóc lên, phơi khô, rồi xát để có loại gạo cốm thơm, mềm, ngọt. Kỳ công như thế, nhưng lúc đồ xôi thì ngược lại, không cần ngâm gạo quá lâu, cũng không cần đồ quá nhiều, vì gạo khá mềm.
Ở bản,cứ lần lượt các nhà thay nhau làm cơm mới, bữa ăn bao giờ cũng đông đủ anh em họ hàng và bạn bè thân thiết, vì thế vào vụ mùa, đã rộn ràng thu hoạch, lại nhộn nhịp cơm mới, rượu mời, lời chúc. Cứ vậy,ở Mộc Châu, chỗ nào trồng lúa, là cả bản vui hàng tháng.
Mùa vụ, chính thế, không chỉ đem đến cho người vùng cao sự no ấm, mà còn khiến người ta gần nhau hơn. Đoàn kết, đại đoàn kết khởi nguồn từ những điều nhỏ bé, giản dị mà ấm cúng ấy.
Khách du lịch Mộc Châu, nên thử trải nghiệm một lần gặt lúa ở miền núi và ăn cơm mới với đồng bào các dân tộc. Với người Thái, có thể đến các bản Chiềng Đi, Bản Áng, bản Vặt, bản Nà Bó, bản Phụ Mẫu...
Nếu không có nhiều thời gian trải nghiệm và chỉ muốn thưởng thức món xôi cốm độc đáo của bà con, có thể tìm các địa chỉ luôn sẵn có món xôi này phục vụ khách du lịch như: Mộc Châu Retreat, Nhà hàng Đông Hải Mộc Châu...