Bộ sách gồm bốn tập, mỗi tập khoảng 60 trang với nội dung trình bày các kiến thức cơ bản, hình ảnh minh họa sinh động. Độc giả có thể dùng điện thoại quét mã QR để nghe bản nam, sáu bản bắc trong đờn ca tài tử, hay xem lễ xây chầu - đại bội ngay lúc đọc sách. Các giọng trong hát bội như nói lối, xướng, hát nam, hát khách, ngâm, thán..., được minh họa với từng video, giúp dễ phân biệt.
Mỗi tập sách có cách diễn giải tùy đặc trưng thể loại. Như Đường vào đờn ca tài tử điểm qua nhiều nhạc cụ như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu. Song lang - dùng chân để gõ, có chức năng điểm nhịp trong dàn nhạc, thông báo lúc nào bắt đầu, lúc nào kết thúc. Còn Đường vào Hát bội có nhiều hình ảnh minh họa điệu bộ diễn xuất và phục trang. Cụ thể, mỗi nhân vật sẽ có một kiểu hóa trang đặc thù, như vua mặc áo long bào vàng, đội mão cửu long, còn quan võ đội mão bình thiên, quan văn đội mão văn công. Nhắc đến loại râu, tác giả phân loại đến tám loại, một vài trong số đó như râu đen xoắn cho người nóng tính, dữ dằn, râu bắp hung cho vai yêu quái, râu ngắn ba chòm chỉ dân thường. Người đeo râu liên tu (râu kéo dài đến mép tai) màu đen là kẻ gian, nhưng màu bạc lại là anh hùng. Nhờ sự đa dạng, biến hóa màu sắc của các nhân vật, khán giả chăm chú xem trình diễn, theo dõi từng động tác trên sân khấu.
Bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" được xuất bản dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua Quỹ Phim, Âm nhạc và Lưu trữ. NXB Văn hóa - Văn Nghệ phát hành vào cuối tháng 10. Ảnh: NXB Văn hóa - Văn nghệ.
Quyển sách phần nào giúp độc giả tiếp cận nghệ thuật sân khấu Nam Bộ. Như tài tử là người chơi nhạc tài hoa, hướng đến cái đẹp của âm nhạc, không màng tiền bạc, danh tiếng. Nghệ sĩ đờn Năm Vinh khi xưa lấy tiếng đờn giải khuây, còn kế sinh nhai vẫn là nghề cắt tóc. Các anh hớt tóc luôn thủ sẵn cây đàn trong tiệm, khi vắng khách lấy ra đờn ca với nhau cho vui. Tác giả Quỳnh Nhi cho rằng đây là: "Bầu không khí tri âm của những người tài tử hiểu nhau, hiểu âm luật và dùng tiếng đờn lời ca để giao đãi". Trong lúc chơi, tài tử đờn ứng tác, những chữ thêm ngẫu nhiên được gọi là "hoa lá" và tài tử ca phải xướng âm đúng cao độ, biết rung, ngân sao cho ra hơi. Còn cải lương là "nghệ thuật tình cảm", kịch bản được chú trọng, với cốt truyện xoay quanh chuyện gia đình, xã hội, tình yêu, làm nổi bật số phận con người bi thương.
Ngoài ra, sách kể các loại hình diễn xướng như dân ca, hò, lý, nói thơ, nói tuồng, múa bóng rỗi, hát sắc bùa,...Trong Đường vào Diễn Xướng Dân gian Nam Bộ, nhóm tác giả dẫn lời đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, nhạc sĩ Lê Hải Đăng... để mọi người hiểu thêm về những loại hình ít người biểu diễn này.
Nghệ sĩ Sáu Hưng và vợ - Song Oanh biểu diễn trong buổi ra mắt bộ sách "Lục tỉnh cầm ca" ngày 24/10. Ảnh: Ngọc Yến.
Trong buổi giới thiệu tác phẩm vào ngày 24/10 tại Đường Sách T PHCM, trưởng nhóm tác giả - anh Phan Khắc Huy - cho biết viết sách là nhờ nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng truyền cảm hứng. Có sự giúp đỡ của nhà văn hóa học, sử gia, nhóm tiếp cận nhiều nguồn tài liệu như Nhìn về sân khấu Hát bội Nam Bộ (Đinh Bằng Phi, 2005), Hò trong dân ca người Việt (Lư Nhất Vũ, Lê Anh Trung, Lê Giang, 2004),... Nghệ sĩ cải lương Lý Kiều Hạnh, Thanh Sơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Vương Hoài Lâm đóng góp ý kiến, nêu nhận xét trong quyển sách.
Thêm vào đó, người viết quan sát, ghi hình ban đờn ca tài tử Sáu Hưng, đoàn hát bội Ngọc Khanh trong nhiều tháng để hiểu các loại hình nghệ thuật. Trong hai năm hợp tác, nghệ sĩ Ngọc Khanh và nhóm tác giả tổ chức hai lớp học, "dẫn đường" người đam mê tìm đến hát bội. Vui mừng khi loại hình cổ truyền này được nhiều người quan tâm, Ngọc Khanh cho rằng tập sách sẽ giúp hát bội "sống lại". Huỳnh Ngọc Trảng nói sách là giáo trình dẫn nhập, giúp bạn trẻ tiếp cận nghệ thuật cổ truyền.
Nhóm sáng tác "Lục Tỉnh Cầm Ca" gồm bốn người là Nguyễn Tấn Khiêm, Đặng Thị Ngọc Tú, Lục Phạm Quỳnh Nhi, Phan Khắc Huy (từ trái sang). Lục Phạm Quỳnh Nhi sinh năm 1997, yêu thích hát bội từ lớp 11. Cô luôn có mặt tại các buổi diễn trong lễ giỗ ở Lăng Lê Văn Duyệt, quan sát, ghi chép cách mọi người biến hóa trên sân khấu. Ảnh: Quỳnh Quyên.
Nhóm còn quảng bá các loại hình nghệ thuật qua dự án Thư Viện Diễn Xướng Nam Bộ Lục Tỉnh Cầm Ca, Vang Vọng Trống Chầu - làm mới các loại hình diễn xướng với cách diễn mới, lượt bớt các điển tích cổ xưa để gần gũi với hiện đại.