Kim ngân hoa – vị thuốc quý trong Đông y

Đăng bởi Thaythuocvietnam.vn

11/12/2020 17:04

Kim ngân hoa là loài hoa được trồng để làm cảnh ở nhiều gia đình Việt Nam. Hoa cây kim ngân mới nở có màu trắng tinh, sau vài ngày lại ngả sang màu vàng óng, vì thế mà trên cành luôn có 2 màu hoa thu hút. Không những có hoa thơm màu sắc rực rỡ, kim ngân hoa còn là vị thuốc quý trong Đông y.

1. Kim ngân hoa

Tên khoa học: Flos Lonicerae

Là nụ hoa có lẫn một số hoa đã nở của cây Kim ngân (Lonicera japonica Thunb), họ Kim ngân (Caprifoliaceae).

2. Mô tả

Mô tả chung

Kim ngân là loại dây leo bằng thân quấn. Thân non có lông màu nâu đỏ. Thường mọc thành bụi. Lá mọc đối, hình trứng và xanh tốt quanh năm. Hoa mọc kẽ lá màu trắng, sau ngả sang màu vàng. Quả hình cầu, màu đen.

Mô tả dược liệu

Nụ hoa hình ống hơi cong queo, dài 1 cm đến 5 cm, đầu to, đường kính khoảng 0,2 cm đến 0,5 cm. Mặt ngoài màu vàng đến nâu, phủ đầy lông ngắn. Phía dưới ống tràng có 5 lá đài nhỏ, màu lục. Bóp mạnh đầu nụ sẽ thấy 5 nhị và 1 vòi nhụy. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Hoa đã nở dài từ 2 cm đến 5 cm, tràng chia thành 2 môi cuộn ngược lại. Môi trên xẻ thành 4 thùy, môi dưới nguyên. Nhị và vòi nhụy thường thò ra ngoài tràng hoa.

Hình ảnh cây Kim ngân hoa

Ảnh minh họa nguồn internet

Phân loại

Ngoài Kim Ngân (Lonicera japonica Thunb), người ta còn dùng lẫn: Kim ngân rừng (L.bournei Hemsl.); Kim ngân long (L.cambodiana pierre ex Danguy); Kim ngân lá mốc (L.hypoglauca Miq); Kim ngân hoa to (L.macrantha (D.Don) Spreng).

2. Vùng trồng, cách trồng

Kim ngân mọc hoang hay được trồng nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tây,…

Thời điểm nhân giống kim ngân tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu. Có thể trồng bằng hạt giống hoặc dùng phương pháp chiết cành, trồng bằng một đoạn thân bò dưới đất đều được.

3. Thu hoạch

Kim ngân hoa hái lúc mới chớm nở, màu còn trắng chưa chuyển vàng. Nên hái vào khoảng 9-10 giờ sáng (lúc này sương đã ráo), nhặt bỏ tạp chất, đem tãi mỏng phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ đến khô.

4. Bộ phận dùng làm thuốc

Hoa mới chớm nở, lá và dây ít dùng.

5. Thành phần hóa học

Hoa kim ngân chứa flavonoid, tinh dầu và một số thành phần khác:

Nhóm Flavonoid

Luteolin, luteolin-7-glucoside.

Tinh dầu

α-pinen, hex-1-en, hex-3-en-1-ol, cis và trans-2-methyl-2-vinyl-5-(α-hydroxy isopropyl)-tetrahydrofuran, geraniol, α-terpineol, alcol β-phenyl ethylic, carvacrol, eugenol, linalol, 2,6,6-trimethyl-2-vinyl-hydroxy tetra hydrydropyran.

6. Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng khuẩn

Nước sắc kim ngân hoa giúp ức chế mạnh đối với tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ Shiga, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, trực khuẩn lao, não cầu khuẩn, trực khuẩn ho gà, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn,… cũng như các loại nấm ngoài da, virus cúm Spirochete…

Hình ảnh Kim ngân hoa sau khi phơi khô

Ảnh minh họa nguồn internet

Tác dụng kháng viêm, kháng virus

Làm giải nhiệt, giảm chất xuất tiết, làm tăng tác dụng thực bào của bạch cầu .

Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh

Tác dụng chống lao, tác dụng trên đường huyết,…

Ngoài ra, dùng kim ngân hoa còn có tác dụng tốt với mắt, giúp chuyển hóa lipid, làm hạ cholesterol trong máu, tăng khả năng chuyển hóa chất béo, lợi tiểu,…

7. Tính vị quy kinh

Tính vị: cam, hàn. Quy kinh: vào các kinh phế, vị, tâm

8. Công dụng – chủ trị:

Công dụng

Thanh nhiệt, giải độc, tán phong nhiệt.

Kháng khuẩn, chống dị ứng.

Chủ trị

Dùng chữa mụn nhọt, lở ngứa, mày đay, viêm mũi dị ứng, sốt nóng, sốt rét, ban sởi, đậu, ỉa chảy, lỵ, thấp khớp, giang mai, rôm sảy.

Có thể chế thành trà uống mát, trị ngoại cảm phát sốt, ho và phòng bệnh viêm nhiễm đường ruột, giải nhiệt, giải độc, trừ mẩn ngứa rôm sẩy.

9. Liều dùng – kiêng kỵ

Liều dùng

Ngày dùng từ 12 g đến 16 g, dạng thuốc sắc hoặc hãm. Có thể ngâm rượu, làm hoàn tán.

Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn ỉa chảy, hoặc vết thương, mụn nhọt có mủ loãng do khí hư; mụn nhọt đã có mủ, vỡ loét không nên dùng.

10. Ứng dụng lâm sàng

Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng

Kim ngân hoa 6g  hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn: ngày uống 2 đến 4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1 đến 2 điều 1-2 ống.

Chữa viêm gan mãn tính (hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm)

Kim ngân hoa 16g, nhân trần 20g, hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g, phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị)

Kim ngân hoa 20g, thạch cao 40g, tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g; thương truật 8g; quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa sốt xuất huyết

Kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu khát nước, thêm huyền sâm sinh địa, mỗi vị 12g; sốt cao thêm chi mẫu 8g.

Chữa mụn nhọt

Kim ngân hoa 20g; bồ công anh 16g; liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g; bối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm phổi trẻ em

Kim ngân hoa 16g; thạch cao 20g; tang bạch bì 8g; tri mẫu, hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa viêm phần phụ cấp tính

Kim ngân, liên kiều, tỳ giải, ý dĩ, mỗi vị 16g; hoàng bá, hoàng liên, mã đề, nga truật, mỗi vị 12g; uất kim, tam lăng, mỗi vị 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

Lưu ý bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!

Thaythuocvietnam.vn
Nguồn https://thaythuocvietnam.vn/kim-ngan-hoa-vi-thuoc-quy-trong-dong-y1/
Bạn đang đọc bài viết "Kim ngân hoa – vị thuốc quý trong Đông y" tại chuyên mục Bài thuốc dân gian. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.