Ngày 18/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP. Hà Nội và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Nam bộ và đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19.
Cầu nối tiêu thụ sản phẩm
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - cho biết, năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu có trên 1.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm. Đến nay, đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 421 sản phẩm 4 sao; 195 sản phẩm 3 sao. Từ nay, đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá, phân hạng trên 370 sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến hết năm 2020, TP. Hà Nội có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Song song với phát triển sản phẩm OCOP, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được triển khai kịp thời, thường xuyên, giúp các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận người tiêu dùng. Cũng trong năm 2020, Hà Nội đã lựa chọn và khai trương, đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Trong năm 2020, thành phố tổ chức thành công 3 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, và đặc biệt là sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Qua việc tổ chức 3 sự kiện trên, Ban tổ chức đã kết nối được các các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn của cả nước ký kết được 473 biên bản hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia tại sự kiện.
Tiếp nối các sự kiện trên, Hội thảo kết nối giao thương sản phẩm OCOP các tỉnh Nam bộ nhằm mục đích kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, tuyên truyền sản phẩm OCOP
Với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chủ thể đã và đang tham gia Chương trình OCOP; các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, nhà phân phối của Hà Nội và các tỉnh Nam bộ, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp để hoạt động kết nối, xúc tiến sản phẩm OCOP đạt được hiệu quả cao nhất. Bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc vùng Đông Bắc - VinCommerce - chia sẻ, với mục tiêu đưa mỗi siêu thị, cửa hàng trở thành một địa chỉ cung cấp sản phẩm, hàng hóa phong phú, chất lượng cao, minh bạch nguồn gốc, đặc biệt những hàng hóa là đặc sản vùng miền, địa phương, các sản phẩm OCOP luôn được phía doanh nghiệp ưu tiên, tạo điều kiện thu mua với giá ưu đại, trợ giá.
Tại từng siêu thị, cửa hàng, hàng hóa OCOP được quy hoạch, trưng bày nổi bật, truyền thông riêng giới tới gần 10 triệu khách hàng thân thiết đang mua sắm tiêu dùng hàng ngày tại hệ thống. Tại hội thảo, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục thăm quan, xem xét các hàng hóa, sản vật OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam bộ. “Chúng tôi cam kết sẽ xúc tiến các hoạt động kết nối, thu mua và đưa những mặt hàng mới, đặc trưng của các địa phương Nam bộ vào hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+. Đồng thời, hy vọng các sản phẩm OCOP của các địa phương Nam bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển sản xuất và đưa tới được nhiều hơn tới khách hàng”, bà Nguyễn Thị Thu cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển sản phẩm OCOP, theo ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam - hiện, việc phân phối sản phẩm còn nhiều khó khăn. Sản phẩm OCOP độc đáo nhưng còn chưa nhiều người biết đến. Do đó thành phố và Trung ương cần đẩy mạnh quảng bá để người tiêu dùng biết đến. Bên cạnh đó, Hà Nội cần xây dựng nhiều thêm các chuỗi cửa hàng bán sản phẩm OCOP, các cửa hàng bán sản phẩm OCOP gắn với tour du lịch, triển khai các chương trình giới thiệu sản phẩm…. “Hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp kết nối với các chủ thể OCOP của các tỉnh, thành trên cả nước để đưa hàng vào các trường học, sàn thương mại điện tử, và công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố”, ông Đỗ Hoàng Thạch nhấn mạnh.
Bà Trịnh Kim Thư - Tổng giám đốc Công ty CP MD Queens - nhận định, thông qua chương trình, người sản xuất nhận thức được tiềm năng, học hỏi được các yêu cầu bắt buộc về sản xuất an toàn, từ đó, phát huy được lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc được gắn nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP thể hiện sự kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo của nhà nước đối với sản phẩm. Điều này mang lại lợi thế của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm khác trên thị trường. Để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn sản phẩm OCOP, bà Trịnh Kim Thư cũng đề nghị, nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thôn, quảng bá, nhất là các sản phẩm 3 sao trở lên và có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm OCOP như: miễn phí gian hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển….
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội - khẳng định, việc tổ chức sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 nhằm "Đưa hàng nông thôn lên thành thị" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Hà Nội và cả nước được quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, để nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Hàng năm, Hà Nội đón trên 30 triệu khách, trong đó có trên 7 triệu khách nước ngoài, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước, với mục tiêu “Hà Nội với cả nước” - “Cả nước với Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp với UBND thành phố chỉ đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên cả nước được trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương để người dân Thủ đô, du khách trong nước, quốc tế nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết và trao biên bản giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối.