Hướng tới xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh

Đăng bởi PGS. TS. Đào Thế Anh, TS. Lê Thành Ý

27/01/2021 09:07

Thực tế cho thấy, những năm sản xuất nông nghiệp tăng cao đã tạo thuận lợi để tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Ngược lại, nhiều năm nông nghiệp khó khăn, sản xuất suy giảm; nền kinh tế đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy, mức tăng trưởng suy giảm và phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực xã hội. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần chính sách từ vĩ mô đến vi mô Hướng tới xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững

Trong tầm nhìn dài hạn, hướng tới một quốc gia thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, khát vọng đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 là một đòi hỏi rất lớn. Để đạt được mục tiêu này, lợi thế nông nghiệp là một ưu thế cần được tận dụng trong hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Chuỗi số liệu thống kê về tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng tổng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản từ những năm khởi đầu đổi mới đến nay cho thấy, nông nghiệp đã trở thành cứu cánh của nền kinh tế trước những khó khăn, biến động khó lường khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu…

Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01- 02/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội

Mặc dù có nhiều thành công, song chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp và phương thức phát triển đang còn nhiều hạn chế. Tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn còn phổ biến; chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị bổ sung dinh dưỡng chưa cao; đặc biệt, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ và thể chế còn nhiều giới hạn. Phát triển nông nghiệp đã gây tổn hại môi trường như tàn phá rừng, làm suy giảm đa dạng sinh học, thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và phát thải nhiều khí nhà kính. Ở nhiều địa phương, tăng trưởng nông nghiệp còn dựa vào gia tăng diện tích đất nông nghiệp, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hạikhiến chi phí đầu vào của sản xuất ngày càng cao và làm gia tăng chi phí bảo vệ môi trường.

Nhằm ứng phó kịp thời với hiểm họa thiên tai, rất cần sự lãnh đạo đảm bảo sao cho những dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được lồng ghép đầy đủ vào quá trình hoạch định chính sách, dành những ưu tiên cho các giải pháp đầu tư xanh và thông minh trong cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và phát huy tối đa thế mạnh của hệ sinh thái đặc thù.

Thách thức phát triển mới đối với nông nghiệp

Năm 2020, nông nghiệp nước ta đã gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, thị trường nông sản thế giới suy giảm và các rủi ro như vậy được dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian tớiTrong chín tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, thị trường, lao động việc làm, thu nhậpan sinh xã hội ở khu vực nông thôn và đặc biệt tác động tiêu cực tới các chuỗi cung ứng nông sản, nhất là xuất khẩu nông sản.

Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm từ nông thôn bị đứt gãy, đặc biệt là các chuỗi dài và xuất khẩu. Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều nước đã bị khủng hoảng hoặc thiếu lương thực. Nhờ vào kinh nghiệm chống hạn, mặn rút ra từ những năm trước, sản lượng lúa thu hoạch của nước ta vẫn gia tăng, chăn nuôi bước đầu phục hồi, thủy sản và lâm nghiệp tăng khá, giúp cho ngành nông nghiệp phục hồi ngay trong đại dịch. Nông nghiệp Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực và trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng tạo sự ổn định của Việt Nam trong đại dịch Covid-19.

Như vậy, nền nông nghiệp trong thời gian tới cần được đầu tư theo hướng nông nghiệp sinh thái để tăng tính chống chịu với các rủi ro khí hậu và phi khí hậu và phát triển bền vững. Nông nghiệp phát triển dựa trên các tiến bộ khao học công nghệ mang tính sinh thái cho phép đa dạng hóa sản phẩm, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa bảo vệ được các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, rừng, đa dạng sinh học, giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hiện đại hoá nông nghiệp với kinh tế hộ nông dân và kinh tế tập thể

Trên thế giới có xu hướng thực hiện chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ở Việt nam, về mục tiêu của ngành nông nghiệp, vẫn cần thiết đảm bảo mục tiêu ổn định an ninh lương thực cho 100% hộ dân, bao gồm cả an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Chương trình hành động Không còn nạn đói cần được triển khai có hiệu quả với mô hình Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cho các vùng khó khăn.

Nông nghiệp của nước ta trong giai đoạn vừa qua chủ yếu tăng trưởng dựa trên thâm canh hoá học, sử dụng thừa thãi phân hoá học và thuốc trừ sâu gây thoái hoá môi trường đất và nước, và năng suất đã đến tới hạn.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như quá trình thâm canh nông nghiệp hiện tại đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp, suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Năng suất và lợi nhuận nông nghiệp đang ngày càng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Quản lý bền vững độ phì của đất và sức khỏe của đất để duy duy trì năng suất là một thách thức. Các giải pháp về nông nghiệp sinh thái đã được phát triển để ứng phó với những thách thức này.

Nền nông nghiệp hiện đại của thế kỷ 21 là một nền nông nghiệp sinh thái thông minh dựa trên ứng dụng các ứng dụng đổi mới sáng tạo của nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các phương thức quản trị thông minh chính xác áp dụng công nghệ số nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trong điều kiện tiết kiệm nguồn lợi hơn và tăng cường tính chống chịu với các bất ổn như BĐKH, dịch bệnh.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái (như nông nghiệp bảo tồn, nông lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, canh tác hữu cơ.) là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu), giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ carbon. Việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái cũng sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc đảm bảo an ninh lương thực, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các rủi ro về thị trường trong quá trình hội nhập khiến chúng ta xem xét lại chiến lược tái cơ cấu thị trường, mở ra các thị trường mới đảm bảo tính ổn định, tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại. Nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Thời điểm hiện nay chính là cơ hội để đầu tư nâng cấp các chuỗi giá trị nông sản an toàn bền vững hơn như xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, đầu tư công nghệ sau thu hoạch hay chế biến và áp dụng công nghệ IoT và blockchain trong truy xuất thông tin và nguồn gốc sản phẩm. Các định hướng giải pháp cần tập trung vào: (i) phát triển nâng cấp các chuỗi giá trị trong nước và chế biến, (ii) xuất khẩu đa dạng hoá thị trường chất lượng cao, thúc đẩy thương mại nông sản chính ngạch. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thị trường trong nước là chất lượng thấp. Về chiến lược, sau đại dịch là cơ hội để Việt nam khẳng định vị thế trong các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cấp các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.Với các thị trường cao cấp có FTA thì chiến lược đa dạng sản phẩm địa phương, bản địa như Chỉ dẫn địa lý, mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)sản phẩm hữu cơđể gia tăng giá trị và thương hiệu cho nông sản Việt là hướng ưu tiên.

 

Nông nghiệp sinh thái yếu tổ đảm bảo phát triển nhanh, mạnh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong quá trình này các chính sách hỗ trợ của nhà nước như liên kết, phát triển các HTX, đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch được triển khai có hiệu quả, hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân là hết sức cần thiết. Vai trò của kinh tế hộ nông dân vẫn đóng vai trò là lực lượng sản xuất chủ yếu của quá trình hiện đại hoá nông nghiệp bên cạnh doanh nghiệp và HTX. Trên thế giới, kinh tế hộ cũng vẫn là lực lượng sản xuất chủ yếu, cung cấp đến 85% sản lượng lương thực thực phẩm toàn cầu. Theo FAO (2019) thì kinh tế hộ trong nông nghiệp hay Nông nghiệp gia đình hiện đại được định nghĩa: Nông nghiệp gia đình chủ yếu dựa vào nguồn vốn, lao động của gia đình và được quản lý, điều hành bởi một gia đình. Gia đình và trang trại có sự thống nhất, liên tục cùng phát triển để hoàn thành các chức năng kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa trong mạng lưới lãnh thổ . Thập kỷ 2021-2030 là thập kỷ của chính sách nông nghiệp gia đình được Liên hợp quốc phát động trên toàn thế giới để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng. Chính vì vậy vai trò của kinh tế hộ với sư hỗ trợ của các HTX và liên kết với doanh nghiệp cần được khẳng định trong đinh hướng phát triển nông nghiệp nước ta trong giai đoạn sắp tới.

Góp ý thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng 13

Về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mục III, tiểu mục 2 (trang 23), phần viết về nông nghiệp có thể xem xét, sửa và bổ sung cho phù hợp với tình hình Việt nam và những biến động của thế giới trong những năm tới.  Chúng tôi đề xuất phương án bổ sung cụ thể là:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái (nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp, hệ thống chăn nuôi-trồng trọt, nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh với khí hậu v.v.), sản xuất hàng hoá hiện đại, thân thiện với môi trường. Phát triển kinh tế hợp tác nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyên nghiệp hoá kinh tế hộ trong nông nghiệp. Phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng miền để đảm bảo sức cạnh tranh, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu, các rủi ro phi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Ứng dụng công nghệ cao phù hợp trong các liên kết chuỗi giá trị nông sản kết hợp với các phương thức quản trị hiện đại áp dụng công nghệ số và kinh tế chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hoá với bảo quản chế biến, nâng cao giá trị nông sản, giảm thất thoát thực phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và tăng thu nhập cho hộ nông dân. Kết hợp nông nghiệp với du lịch nông thôn, ứng dụng kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuỗi giá trị nông sản, kết nối nông thôn - đô thị, quản trị nông thôn hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững. Xây dựng nông thôn mới cần được hoàn thiện theo hướng: Nông nghiệp sinh thái; Nông thôn hiện đại; Nông dân văn minh.”

Trong Mục IV, tiểu mục 1 (trang 32), cần bổ xung khổ về Kinh tế hộ.

Kinh tế hộ, chủ yếu là hộ nông dân tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa của nông nghiệpnông thôn và của đất nước. Hộ nông dân đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực và dinh dưỡng, quản lý tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự gắn kết của cộng đồng nông thôn, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển bền vững. Thúc đẩy kinh tế hộ theo hướng chuyên nghiệp hoá, trở thành trang trại gia đình quy mô trung bình, tối ưu cho từng vùng sinh thái, thu hút thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp làm tiền đề cho kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp.

Kinh tế tập thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò hỗ trợ phát triển cho kinh tế hộ thông qua cung cấp dịch vụ cho các thành viên; hỗ trợ, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”.

Trong tiểu mục 2 (trang 33), bổ xung khổ về hoàn thiện thể chế HTX:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát cơ chế chính sách nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể và HTX trong nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhất là hợp tác xã nông nghiệp  kinh tế tương trợ trong lĩnh vực nông nghiệp; vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tiếp tục đào tạo cán bộ HTX và phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp gắn với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản tại các vùng, miền trên cả nước.  Tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận các thị trường nguồn lực đất đai, thị trường tài chính (đầu tư, tín dụng, bảo hiểm và kiểm toán) và thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp”.

Qua nghiên cứu các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam thồng nhất đồng tình với đánh giá các chuyên gia khi cho rằng:

Các văn kiện lần này đã phân tích, đánh giá, tạo sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020;

Cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045;

Bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”;

Đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 – 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng;

Điều chỉnh, xác định rõ, chuẩn xác hơn mối quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời bổ sung mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo lần này đã bổ sung, cụ thể hóa ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

PGS. TS. Đào Thế Anh, TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Hướng tới xây dựng nền Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh" tại chuyên mục Đời sống - Tiêu dùng. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.