Cao Phong là một trong số các huyện vùng cao của tỉnh Hoà Bình, có đường ranh giới phía đông giáp huyện Kim Bôi, phía tây giáp huyện Tân Lạc, phía bắc giáp huyện Đà Bắc và thành phố Hoà Bình, phía nam giáp huyện Lạc Sơn, đều thuộc tỉnh Hoà Bình. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 256 km2. Huyện Cao Phong được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2002, đến nay đã hơn 20 năm.
Trong chặng đường xây dựng và phát triển, huyện luôn chú trọng thực hiện tốt khâu đột phá chiến lược là đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là 1 trong 10 chương trình hành động trọng tâm nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tỉnh lộ 435 đi qua xã Bình Thanh, xã Thung Nai huyện Cao Phong
Trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông là hạ tầng quan trọng hàng đầu được huyện đặc biệt quan tâm với vai trò "đi trước một bước”, thông "huyết mạch” cho cả nền kinh tế.
Đến nay, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp trong toàn huyện, các tuyến đường giao thông nội huyện đều đã được cứng hóa. 100% xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm. Hệ thống đường giao thông liên xóm hầu hết được cứng hóa.
Tỉnh lộ 435 đi qua xã Bình Thanh, xã Thung Nai huyện Cao Phong
Theo đó, tổng số km đường bộ hiện có của huyện Cao Phong: 463,55 km (Bê tông nhựa: 4,55 km; Nhựa: 98,4 km; Bê tông xi măng: 285,67 km; Cấp phối: 20,65 km; Đất: 54,28 km).
Đối với các trục đường: Quốc lộ 6 chạy qua huyện Cao Phong: 13 km. Đường 12B chạy qua huyện Cao Phong: 5km. Đường Tỉnh lộ (ĐT.444, ĐT.435): 36km. Đây là một trong những thuận lợi để giao thương hàng hóa giữa các tỉnh và nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Cùng với đó, các tuyến đường trục huyện, liên xã có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tiện ích giao thông cho cư dân nông thôn, gắn kết các cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại và di chuyển trong khu vực địa phương. Đồng thời, cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của các vùng nông thôn.
Đường liên xóm vùng cao xã Thạch Yên - Cao Phong
Đặc biệt, đối với tuyến đường Hợp phong được Hội đồng nhân dân tỉnh Quyết Nghị phê duyệt chủ chương đầu tư đầu tư tại Nghị quyết số 349/NQ –NQ-HĐND ngày 09/12/2020.
Mục tiêu khi công trình hoàn thành sẽ hoàn thiện sẽ tăng kết nối giao thông của 3 xã (Xuân phong, Tân phong, Đông phong cũ) sau khi sát nhập là xã Hợp phong góp phần ổn định dân cư, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, giảm tải giao thông ra Quốc lộ 6, rút ngắn quãng đường đi lại cho nhân dân từ 17 km xuống còn 4 km, tăng tiềm năng khai thác du lịch theo định hướng phát triển kinh tế của huyện.
Sẽ tăng kết nối giao thông, tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện
Đối với các trục đường thôn, xóm: 121,45km ( đường bê tông xi măng: 99,36km, cấp phối: 1,6km, đường đất: 20,74km) đạt 83,1%. Đường ngõ, xóm: 99,07km (đường bê tông xi măng: 69,61km, cấp phối: 6,76km, đường đất: 22,7km) đạt 77,0%. Đường trục nội đồng: 51,38km (đường bê tông xi măng: 18,53km, cấp phối: 14,66km, đường đất: 18,56km) đạt 64,5%. Cần đầu tư bổ sung bằng cách lồng ghép các nguồn để phấn đấu hoàn thành để đạt chuẩn các tiêu chí về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện tiếp tục xác định đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội là một trong những khâu đột phá quan trọng, là chương trình hành động trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII.
Theo định hướng của BCH Đảng bộ huyện, Cao Phong đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng;
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 22%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%, hộ dân thành thị đạt trên 99%...
Riêng về nỗ lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ, huyện chủ trương thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp hạng III, siêu thị hạng II tại thị trấn Cao Phong; xây dựng thêm chợ đầu mối nông sản ở xã Tây Phong; hình thành một số khu trung tâm dịch vụ, thương mại tại các điểm dân cư tập trung, khu vực đầu mối giao thông, cảng đường thủy... Những hạ tầng mới hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.