Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng với Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,7%; Đạt tới 98,5 điểm.
Cơ sở hạ tầng các xã Nông thôn mới ở Sóc Sơn được thay đổi rõ rệt
Bao đổi thay từ một miền quê
Từ một huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 25/25 xã hoàn thành nông thôn mới. 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 85% kênh mương chính được cứng hóa, 100% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,06%. 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,7%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sinh thái theo hướng áp dụng công nghệ cao phát triển về quy mô và sản phẩm. Sóc Sơn đã hình thành thêm 9 chuỗi liên kết, 2 nhãn hiệu tập thể trong sản xuất, 7 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp, 27 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, trên 100 sản phẩm nông sản được đăng ký truy xuất nguồn gốc QRcode.
Mô hình rau an toàn tại các xã nông thôn mới ở Sóc Sơn
Một trong số những xã điển hình về sự nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng NTM của huyện Sóc Sơn là xã Minh Phú, đây cũng là một trong những xã về đích NTM cuối cùng của huyện. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, từ một xã chỉ có 2/19 tiêu chí cơ bản đạt (thông tin và truyền thông, giáo dục - đào tạo), đến nay, xã Minh Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao của địa phương này như: Mô hình trồng nấm theo công nghệ Hàn Quốc sản xuất 1,2 tấn/ngày, cho doanh thu lên đến 43 tỷ đồng (năm 2019), mô hình liên kết chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP…, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Với việc triển khai tích cực xây dựng nông thôn mới, ban hành những chủ trương, chính sách tạo đột phá cho sản xuất, đến nay Sóc Sơn đã hình thành thêm 32 vùng sản xuất, hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
Mô hình nuôi gà đồi ở Sóc Sơn đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân
Toàn huyện có 219 HTX, trong đó 155 HTX nông nghiệp, thành lập 76 tổ hợp tác, 30 nhóm sản xuất tăng cường liên kết nông dân phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đối với vấn đề môi trường, Sóc Sơn đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải rắn. Theo đó, 100% các xã thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường, kết quả là 98% lượng rác thải sinh hoạt được tổ chức thu gom xử lý tại bãi rác tập trung.
Bên cạnh những bước phát triển về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp... Sóc Sơn cũng đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường, tạo nên những bức tranh làng quê đầy màu sắc nhờ vào những "tuyến đường hoa".
Những "tuyến đường hoa" đủ màu sắc kéo dài tại các trục giao thông chính, những con đường nhỏ liên thôn, xóm, cổng nhà được trồng hoa và cây xanh, tạo không gian tươi mát là kết quả từ việc triển khai đề án xây dựng “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn.
Huyện Sóc Sơn có 45 tuyến đường xanh – sạch – đẹp nở hoa kiểu mẫu
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cho biết: Để đề án xây dựng “Tuyến đường tự quản xanh - sạch - đẹp - nở hoa kiểu mẫu” đạt hiệu quả thiết thực như hiện giờ, Hội đã khảo sát các tuyến giao thông nông thôn, nhất là các đoạn đường xa khu dân cư, điểm đọng rác gây ô nhiễm môi trường… sau đó giao các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đăng ký và xử lý triệt để.
Kết quả của sự đoàn kết nỗ lực
Trước đó, ngày 26/7, Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã khảo sát, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Qua thực tế khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới tại một số xã trên địa bàn huyện và nghiên cứu báo cáo, đoàn công tác đã đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Sóc Sơn trong xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được cho thấy sự thay đổi rõ nét và khởi sắc bộ mặt nông thôn Sóc Sơn, đặc biệt là về quan môi trường, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đánh giá hồ sơ công nhận Nông thôn mới của huyện Sóc Sơn.
Đánh giá về phong trào xây dựng Nông thôn mới của huyện Sơn Sơn, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: “Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, và sự ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng với Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,7%; Đạt tới 98,5 điểm. Huyện Sóc Sơn cần tiếp tục tập trung chỉ đạo duy trì kết quả đạt được; quan tâm tới những tiêu chí chưa đạt điểm tối đa để có những biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng tiêu chí. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kết quả xây dựng nông thôn mới…”.
Còn đồng chí Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn thì chia sẻ: Sóc Sơn là huyện ngoại thành Hà Nội, 70% số dân của huyện có thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nhưng nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nên công tác xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao đời sông nhân dân. Để đạt mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới theo chuẩn quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ và động lực phát triển đồng bộ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Sóc Sơn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt phong trào thi đua Sóc Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành hưởng ứng một cách nhiệt tình.
Kết quả của Chương trình xây dựng NTM mang lại, người dân ai cũng dễ dàng cảm nhận được là, đời sống của người dân ở vùng nông thôn không ngừng được tăng lên, hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại. Nông nghiệp có nhiều chuyển biến, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, chất lượng. Đời sống vật chất và tình thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều nét đẹp văn hóa được khởi dậy, các cộng trình di tích lịch sử được bảo tồn tồn tạo…khiến cho nông thôn mới nơi đây được thay da đổi thịt những vẫn giữ gìn được nét đẹp hồn quê truyền thống. Đây là kết quả của sự đoàn kết đồng lòng từ cán bộ, đảng viên đến người dân trong huyện.
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ huyện Sóc Sơn, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhấn mạnh: "Kết quả nổi bật là kinh tế của huyện tăng trưởng khá, tăng 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp chỉ còn chiếm 8,71% trong khi công nghiệp chiếm 52,96% và dịch vụ là 38,33%. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện là 9,64%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Toàn huyện thành lập mới gần 1.500 doanh nghiệp và 10.548 hộ kinh doanh, nâng tổng số lên hơn 3.500 doanh nghiệp và gần 23.300 hộ kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương... Đặc biệt, đến nay, Sóc Sơn đã có 25/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sinh thái theo hướng áp dụng công nghệ cao từng bước được hình thành, phát triển cả về quy mô và chủng loại sản phẩm. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, khang trang; môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, trật tự xây dựng, tài nguyên, môi trường, quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ được chủ động triển khai, chỉ đạo quyết liệt...".