Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, cô Phạm Minh Thùy (SN 1984) được phân công về giảng dạy ở trường Tiểu học Thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng).
Được trở về công tác ở nơi mình đã sinh ra, lớn lên là niềm vui của cô giáo trẻ này, dù đồng lương nhà giáo mới vào nghề còn eo hẹp, lại phải thuê nhà trọ để ở. Khó khăn là vậy nhưng cô giáo trẻ đã vượt qua tất cả.
Cô Thùy kể, trường thuộc vùng cù lao sông nước, học sinh đa số là con em nông dân nghèo, năng lực học không đồng đều. Bên cạnh điều kiện đi lại của một số em rất khó khăn, nên có khi một buổi dạy trên lớp, buổi còn lại cô phải đi bộ vào khu vực sâu trong dân cư để vận động học sinh đi học.
Đối với các em chưa theo kịp bạn, cô mở lớp phụ đạo riêng tại nơi trọ. Do phòng trọ có diện tích nhỏ mà học trò ngày càng đông, có hôm cô phải đưa các em đến chùa xin được ngồi nhờ bàn ghế bên hiên chùa để học.
Sự cố gắng và tình thương yêu của cô dần dần được gia đình học sinh và các em đón nhận. Kết quả vào cuối mỗi năm học, các lớp cô Thùy dạy đều duy trì tốt sĩ số, đủ điều kiện lên lớp, số học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện đạt tỉ lệ cao.
“Tôi luôn đặt tình yêu thương học sinh lên hàng đầu. Khi được yêu thương, các em sẽ giúp giáo viên linh hoạt hơn trong việc tìm các biện pháp để giúp đỡ các em, và khi học sinh cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo sẽ giúp các em có động lực học tốt hơn”, cô Thùy chia sẻ quan điểm.
Ngoài việc dạy học sinh học tập và rèn luyện tốt, cô Thùy còn tích cực hướng dẫn các em tham gia tốt các phong trào do nhà trường và cấp trên phát động, như: Viết chữ đẹp, an toàn giao thông, văn nghệ, thể thao, kể chuyện về Bác Hồ,…
Cô Thùy chia sẻ một kỷ niệm khó quên về thời gian dạy học: “Vào năm học 2014 - 2015, lớp tôi được phân công phụ trách có một học sinh không nói được, khả năng chú ý cũng không tốt, em chỉ ú ớ trong miệng mỗi khi em phản ứng điều gì, nhưng có điều em có khả năng nghe được.
Trước hoàn cảnh đó, tôi đã cố gắng nghiên cứu tìm phương pháp hướng dẫn riêng cho em về cách đánh vần nhận diện từ con chữ cái, từng vần, làm mẫu rồi yêu cầu em quan sát, dần dần tôi giúp em nhận diện cách đánh vần theo mẫu, bên cạnh đó tôi còn hướng dẫn em biết cách tính toán. Với kết quả đó đã giúp em thu hẹp khoảng cách với các bạn, hòa nhập tốt với bạn bè cùng trang lứa. Nhìn em thành công, tôi vui đến rơi nước mắt”.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ vào công tác giảng dạy, cô Phạm Minh Thùy vừa chăm lo cho gia đình, vừa đi học cao hơn. Cô đã phải vừa dạy vừa làm thêm việc giữ trẻ, bán rau cải và cuối tuần vượt qua hơn 280km trong hơn 2 năm để học xong thạc sĩ Giáo dục Tiểu học.
Được biết, cô Thùy là thạc sĩ ngành Giáo dục Tiểu học đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Theo cô Thùy, khi đã chọn nghề giáo, cô đã ý thức mình phải luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh, luôn đem tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nhiệm có được để giúp đỡ học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Chưa bao giờ tôi nhận thấy mình biết được bao nhiêu là đủ và thành công hơn mọi người, bởi mỗi một nơi, một môi trường giáo dục và học sinh khác nhau. Còn biết bao người có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi, họ vẫn cố gắng vươn lên từng ngày để đem lại nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Chính vì vậy, tôi không cho phép mình dừng lại trong bất kì hoàn cảnh nào. Thời gian tới bản thân tiếp tục nghiên cứu, học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành tấm gương tốt cho học sinh, cống hiến công sức cho quê hương”, cô Thùy bày tỏ.