Trên thế giới, ít có thủ đô nào có tuổi hơn ngàn năm. Mỗi góc phố, mỗi con đường, mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi con người, mỗi ngôi nhà, mỗi cành cây... tất cả bỗng ùa đến, choáng ngợp nhưng rất lạ là nó rất thân quen.
Minh họa: Nguyễn đăng Phú.
Đọc và nghe sâm cầm, hàng sấu, tiếng chuông chiều, Yên Phụ ca đêm... nhưng sao lòng vẫn thấy bần thần mỗi khi gặp phố. Hà Nội như lời dặn nhỏ cho riêng tôi, rằng mỗi bước chân nơi đây sẵn sàng làm giàu thêm kỷ niệm, ngọt ngào cho một nơi chốn yêu thương, dịu dàng cho lần trở về tràn đầy tâm tưởng.
Cơn mưa chiều như rửa cho bầu trời xanh hơn. Tôi dám đồ rằng, không nơi đâu có cái nắng đẹp như những ngày thu Hà Nội. Cũng bầu trời trong xanh đến ngợp lòng, cũng nắng và gió như bao nơi nhưng sao những sớm những chiều ở đây cứ như lời gọi thiện lành cho bước chân người đến, người đi. Phố vẫn đông nghẹt, vẫn tắc đường dằng dặc trong sốt ruột rã rời, nhưng lạ thay vẫn cảm thấy đủ chỗ cho ai đó thong dong trên những con đường bình yên lạ thường. Hà Nội ôm vào lòng tất cả, những chiếc xe sang, những vòng xe đạp chở theo tiếng rao tha thiết mềm cả lòng đêm. Những tòa nhà cao như thử thách lòng kiên nhẫn cho ai muốn đếm số tầng, nhưng cũng có những ô nhà phố cổ mang đến một cảm giác không phải chỉ là nơi để ở, để mua bán, mà chính là nơi lưu dấu cho những khắc khoải nhớ nhung.
Tôi đã nhìn rất lâu những mái ngói thâm nâu và tự hỏi nó đã ngấm bao nhiêu nắng mưa để làm nên hồn cốt cho thành phố này, để cho tôi hiểu hơn chiều sâu của một địa danh vốn có nghĩa “trong sông” mà hồ Hoàn Kiếm là nơi hội tụ của những khát khao, hy vọng. Lang thang phố cổ, hàng quán thân quen, giữa tấp nập bộn bề, bỗng khựng lại khi thấy một vòm cổng khiêm tốn với mấy chữ cổ, như níu lấy chân tôi mà dặn mình bước khẽ, bởi trên con đường nhỏ này đã in dấu ngàn năm tiếng cười, tiếng khóc nhân gian. Tên gọi có thể khác nhau nhưng nơi khí thiêng tụ lại, nơi lòng người quay về chỉ là một. Những Long Đỗ, Đại La, Thăng Long, Đông Đô... không chỉ gợi lại biến thiên thời thế mà còn là ngọn lửa truyền trao bất tận mùi thơm trang sách Khuê Văn.
Nắng dát một màu vàng như cổ tích lên muôn nơi. Nắng đẹp đến mức khiến tôi không dám đội nón, bởi cứ da diết cái cảm giác nếu mình che cái gì đó lên đầu sẽ như người có lỗi, như là sự xúc phạm đến cái màu vàng non tinh khiết đang ướp đôi mắt tôi trong thực trong mơ của một Hà Nội tình nhiều. Gió thu lay nhẹ hàng cây, như cầm từng chiếc lá mà nói về sự tiếp nối chuyển mùa, về sự ngọt ngào phù sa đang căng tràn sớm tối. Lá ơi, có khi nào lá thức vì những câu hỏi chờ đợi bình minh?
Người ta nói muốn yêu Hà Nội phải ở nơi đây đủ lâu để nhận ra cái tinh tế từ những điều bình thường, muốn biết món ngon vật lạ trần gian phải đến các quán của ba mươi sáu phố phường, muốn cảm chiều sâu thương nhớ phải lẩn thẩn một mình trên đường Hà Nội. Một nhà văn tên tuổi đã nói rằng, muốn viết hay về cái gì đó thì “phải nhúng lòng mình trong Hà Nội ít nhất hai năm”. Tôi sinh ra gần Hà Nội nhưng xa kinh thành từ tuổi lên ba, ký ức còn lại là chút hoài niệm xa xôi, không cụ thể nhưng lại rất tự hào bởi lòng mình đã “nhúng” ở nơi đây nhiều hơn những bảy trăm ngày. Tôi đã mềm lòng dưới tán xanh um của những hàng sấu, mà bồi hồi “Giới thiệu với mình, sấu nhé/ Cô này ta gọi bằng em”. Tôi như thấy tuổi thơ của anh trong những ngày nhặt sấu, như được cùng anh rộn rã theo tiếng chuông nhà thờ Cửa Nam đêm Noel năm nao, và nữa, như được thấy anh bước chân sáo từ ngôi trường Chu Văn An lẫy lừng...
Tôi đã trở về nơi ba tôi chôn núm rốn của tôi giữa những ngày đạn bom ấy, giờ đã sầm uất thị thành. Cây lá vẫn xanh như lòng người đằm thắm, tôi muốn nhìn tất cả, muốn nghe, muốn nhớ, muốn hát ca, muốn lắng lòng... Ai gói giúp tôi chút mùi thơm hương cốm làng Vòng, để tôi nói với tôi: Ơi chút thu Hà Nội thật đầy!