Mới đây, Ngân hàng Thế giới (W.B) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã thực hiện một cuộc khảo sát có hệ thống về chính sách lương thực, thực phẩm tại 170 thành phố thuộc 21 quốc gia châu Á. Kết quả cho thấy chỉ có 8% các thành phố tiếp cận quản lý hệ thống lương thực, thực phẩm một cách hệ thống và có tầm nhìn.
Trong cuốn sách với nhan đề “Thực phẩm tốt, Thành phố thông minh” xuất bản mới đây, các tác giả cho rằng, tại các thành phố tại châu Á, hệ thống lương thực, thực phẩm đã có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, từ các hoạt động cốt lõi như tạo công ăn việc làm và kinh doanh, đến quản lý chất thải và ách tắc giao thông.
Theo các nhà phân tích, các thành phố châu Á đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến lương thực nhưng hầu hết đều thiếu chính sách cụ thể hoặc chặt chẽ. Ở hầu hết các thành phố, lương thực là vấn đề chưa rõ về quản trị khi chính sách lương thực quốc gia còn thiếu một tầm nhìn về đô thị.
Trên cơ sở khảo sát có hệ thống về chính sách lương thực đô thị tại 170 thành phố ở 21 quốc gia, các nhà hoạch định chính sách khu vực đã phát hiện, chỉ có 8% các thành phố được khảo sát là “thông minh về thực phẩm” nghĩa là có tiếp cận quản lý hệ thống lương thực, thực phẩm hướng tới tương lai, toàn diện và bao trùm. Gần 3/4 số thành phố ở giai đoạn đầu xem xét quản lý có hệ thống hoặc còn trong trạng thái thụ động giải quyết các vấn đề phát sinh.
Cách tiếp cận ứng phó có thể rất tốn kém, cả về khía cạnh rủi ro đã biết trước và cơ hội bị bỏ lỡ; mặc dù nhu cầu đa ngành nhất quán và hành động phối hợp đã trở nên rõ ràng.
Đại dịch Covid-19 thu hút sự chú ý đến chức năng thiết yếu của chuỗi cung ứng thực phẩm và các doanh nghiệp đô thị, đồng thời làm cho người dân thành thị dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng mất an ninh lương thực, bệnh động vật và bệnh do thực phẩm gây ra. Khủng hoảng cũng cho thấy tiềm năng của nền kinh tế thực phẩm, thông qua những biểu hiện về khả năng phục hồi đến từ các kênh tiếp thị, mạng lưới và năng lực thương mại điện tử mới chớm nở.
Thực phẩm phong phú và thành phố thông minh đã minh họa cách mà thành phố châu Á và các nhà lãnh đạo đô thị có thể giải quyết những vấn đề quan trọng của hệ thống, bao gồm an ninh lương thực, chất lượng chế độ ăn, tính bền vững của môi trường, tính trung hòa của khí hậu và cách xây dựng hệ thống thực phẩm giúp các thành phố theo đuổi mục tiêu của mình.
Từ lập luận hệ thống lương thực là trọng tâm của ưu tiên chính sách của trong các đô thị, FAO và W.B đã kêu gọi các thành phố thuộc mọi quy mô cần “thông minh để trở nên giầu có hơn” đồng nghĩa với theo đuổi các chính sách thúc đẩy hệ thống lương thực tin cậy, bao trùm, cạnh tranh lành mạnh và phù hợp hơn với những thách thức cũng như mong muốn của các thành phố. Các tổ chức này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tích hợp chính sách lương thực, thực phẩm trong chiến lược quản lý. Chính sách lương thực, thực phẩm phù hợp sẽ giúp các nhà quản lý giải quyết tốt hơn thách thức tiếp cận thực phẩm với chi phí hợp lý, sức khỏe tốt, tạo cơ hội việc làm, giảm thiểu ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông.
Đại dịch COVID-19 làm nổi lên chức năng thiết yếu của chuỗi cung ứng, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đô thị và khả năng dễ bị tổn thương của người dân trước tình trạng mất an ninh lương thực. Phong tỏa và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội làm giảm sức mua của người dân và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đó, nhiều người ở đô thị, đặc biệt là người có thu nhập thấp, đã phải đối mặt với những thách thức trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng và bổ dưỡng.
Theo khảo sát của FAO vào năm 2016, 23% cư dân thành thị châu Á cho biết họ thấy thực phẩm không an toàn. Tương tự, tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính cũng rất phổ biến với hơn1/4 số trẻ em dưới 5 tuổi ở các đô thị của Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Lào, Nepal và Pakistan, bị thấp còi. Thực trạng này còn cho thấy, hạn chế hệ thống lương thực đô thị làm giảm triển vọng kinh tế của nhiều thành phố và nhất là thế hệ trẻ tương lai .
Việc chuyển từ cách tiếp cận ứng phó sang quản lý chủ động hơn hệ thống thực phẩm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đô thị đạt những bước tiến mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng đối với người dân, từ tiếp cận thực phẩm với chi phí hợp lý đến sức khỏe tốt, cơ hội việc làm, giảm thiểu ô nhiễm và tắc nghẽn giao thông, thịnh vượng, và tạo ra môi trường đáng sống.
Tầng lớp trung lưu ngày phát triển ở châu Á và nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao, đa dạng và tiện lợi hơn cũng mang lại cơ hội về kinh doanh, việc làm và tăng nguồn thu cho các thành phố.Tuy nhiên, những rủi ro liên quan đến hệ thống lương thực đô thị và xu hướng thay đổi nhu cầu đòi hỏi việc quản lý phải cẩn trọng hơn cả về rủi ro dịch bệnh, an toàn sinh học và suy thoái môi trường.
Theo nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu” năm 2017, tỷ lệ tử vong do rủi ro trong chế độ ăn uống đã lên đến 30% ở Đông Á, 22% ở Đông Nam Á và 19% ở Nam Á. Mức độ thừa cân và béo phì đang gia tăng tại các quốc gia nói chung và tỷ lệ béo phì ở khu vực thành thị cao hơn từ 3 đến 4 lần so với ở nông thôn.
Nhiều thành phố ở châu Á đã trở thành những “điểm nóng” quốc gia về nguy cơ mất an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, rác thải thực phẩm và tích tụ rác thải nhựa. Sự mở rộng nhanh chóng của các thành phố xâm lấn vào những hệ sinh thái tự nhiên và đất trồng trọt ven đô đã làm tăng thêm rủi ro đối với nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống. Các nhà lãnh đạo đô thị rất cần được cung cấp thông tin đầy đủ để giải quyết những thách thức trong hệ thống lương thực, thực phẩm ở đô thị quốc gia với quy mô lớn.
Nhà quản lý đô thị có vai trò then chốt trong định hình lại tương lai của hệ thống lương thực, thực phẩm và đưa ra những khuyến nghị cần thiết. Từ nghiên cứu, xem xét các thành phố có quy mô và nguồn lực tài nguyên khác nhau, Thông cáo báo chí số 2021/110/AGR của Ngân hàng Thế giới ngày 03 tháng 3 năm 2021 đã cung cấp những ví dụ minh họa cụ thể về nhiều chính sách và chương trình mà các thành phố ở châu Á có thể học hỏi và thực hiện để nâng cao hiệu quả của hệ thống lương thực thực phẩm. Theo đó:
Bảo vệ đất trồng trọt ven đô và phát triển các kênh tiếp thị của chuỗi cung ứng ngắn ngày có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm tươi sống cho các thành phố, góp phần tăng năng suất đô thị và tăng khả năng phục hồi, đồng thời với thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn phát triển;
Đầu tư nâng cấp những chợ cộng đồng cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, có thể giúp đảm bảo khả năng tiếp cận dinh dưỡng công bằng; giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính và lây truyền qua đường thực phẩm;
Sáng kiến và quan hệ đối tác cộng đồng có thể hỗ trợ tích cực cho việc ngăn ngừa chất thải, sử dụng thực phẩm thứ cấp, làm phân xanh và xây dựng nền kinh tế sinh học;.
Các tiêu chuẩn về tiếp thị và mua sắm thực phẩm cùng với hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp thực phẩm, có thể tạo ảnh hưởng đáng kể đối với thị trường thực phẩm và các xu hướng ăn uống theo cách hỗ trợ nâng cao sức khỏe, gia tăng phúc lợi cộng đồng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
Từ những vấn đề gợi ra, các nhà hoạch định chính sách với khả năng ảnh hưởng đến việc sử dụng không gian và môi trường nhân tạo sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp cũng như định hình việc cung cấp dịch vụ công để có thể tạo ra những thay đổi lớn thông qua chính sách lương thực đúng đắn.
Gayatri Acharya, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết “Các nhà lãnh đạo thành phố đang ở vị trí thích hợp nhất để xây dựng và theo đuổi các chính sách lương thực tích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng cường khả năng phục hồi chung của thành phố” Bà hy vọng, Công trình nghiên cứu của W.B sẽ truyền cảm hứng để các nhà quản lý tìm kiếm các giải pháp đầy tham vọng trong xây dựng các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và lành mạnh nhằm cải thiện phúc lợi cho dân cư đô thị châu Á
Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Lạc Lọng Quân,Tây Hồ, Tp Hà Nội
Mob 0829848231 email lethanhy05@gmail.com
File chính sách LTTP 3,21