Săn mây trên đỉnh "Núi Hoa"
Trong tiếng dân tộc Tày, từ Phja Bjoóc dịch nghĩa sang là Núi Hoa. Có thể bạn không tin, nhưng nếu đứng trên đỉnh Núi Hoa có thể nhìn thấy những cánh rừng già tận bên phía tỉnh Cao Bằng. Gặp tôi ở nhà sàn homestay ven hồ Ba Bể, anh Nguyễn Hùng, một cư dân phố cổ Hà Nội chính gốc xuýt xoa: "Ðối với tôi, biển mây trên Núi Hoa đẹp không kém gì Sa Pa hay Tam Ðảo. Nhưng biển mây ở đây còn hơn nhiều nơi khác ở chỗ còn quá ít người biết tới, quá ít người được đến vì thế nó quá hoang sơ, kích thích đối với những ai muốn "phượt" và trải nghiệm".
Từ Hà Nội, hành trình săn mây trên đỉnh Núi Hoa không quá gian nan. Mất khoảng bốn giờ đồng hồ để du khách đặt chân tới những mái nhà sàn ở các làng, bản ven hồ Ba Bể. Sau một đêm ngon giấc trong cái lạnh thấm đẫm hơi nước của hồ, sáng sớm hôm sau, với một chiếc xe máy, thậm chí cả ô-tô là du khách có thể bắt đầu săn mây. Anh Hoàng Phú, một "chuyên gia" về du lịch ở Ba Bể dẫn chúng tôi lên đỉnh Ðồn Ðèn, một trong những đỉnh núi cao nhất trong dãy Núi Hoa bằng ô-tô. Cách đây mấy năm, đường lên Ðồn Ðèn ô-tô gần như không thể đi nổi. Ðồng bào H’Mông trên đỉnh núi thi thoảng đi bằng xe máy xuống chợ phiên. Nhưng cũng phải là những tay lái cứng, quen đường mới dám đi, nhất là vào những ngày sương mù, đứng cách nhau vài mét còn không thấy mặt. Cũng chính vì khó đi như thế cho nên biển mây trên Núi Hoa có rất ít người biết tới. Còn giờ, tuyến đường đã được nâng cấp, cải tạo phù hợp cho ô-tô và nhất là những ai muốn trải nghiệm bằng xe máy.
Chiếc ô-tô bán tải khỏe là thế mà vẫn phải gầm gào để vượt được con dốc đứng dẫn tới đỉnh Ðồn Ðèn vào sáng sớm. Sương bảng lảng vây quanh xe, ướt đẫm kính, có đoạn đặc quánh, tưởng như với tay ra là có thể véo lấy ngay được. Hai bên đường là những dải rừng tự nhiên, xen lẫn là những vạt thông, loài cây trồng hiếm hoi thích nghi được với khí hậu lạnh buốt trên đỉnh núi này.
Anh Hoàng Phú tranh thủ giới thiệu với chúng tôi về cái tên Phja Bjoóc - Núi Hoa đặc biệt. Tương truyền trên núi có một loài hoa tiên cảnh đẹp vô ngần có thể làm thuốc trị được bách bệnh, ấy là hoa Phặc Phiền. Thế nhưng loài hoa ấy thật sự ra sao thì có lẽ vẫn chỉ là cổ tích vì chưa ai một lần được chiêm ngưỡng cho dù trong những bài dân ca Tày cái tên hoa Phặc Phiền vẫn luôn được nhắc tới. Núi Hoa vì thế đến nay vẫn đượm màu cổ tích, huyền bí vô cùng. Còn trên thực tế, Phja Bjoóc là dãy núi cao nhất tỉnh Bắc Kạn, cao 1.575 m so với mực nước biển, chạy dọc từ chân dãy Phja Oắc, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) xuống đến thị trấn Phủ Thông (Bắc Kạn). Từ ngàn đời nay, Phja Bjoóc giống như một bức trường thành, một tấm lá chắn nguyên thủy của Bắc Kạn. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đây là căn cứ địa quan trọng của Ðội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) cho nên còn được gọi là núi Cứu Quốc.
Từ hồ Ba Bể, trong vòng bán kính 5 km, xuất phát từ khách sạn khoảng 6 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng để di chuyển, du khách có rất nhiều điểm lựa chọn để đến điểm săn mây vào khoảng thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút. Ðiểm đầu tiên là khu núi Ðồn Ðèn, chỉ sau 30 phút đi trên đường là du khách sẽ đến đỉnh nằm ở độ cao từ 800 m đến 1.000 m so với mực nước biển, là địa điểm đẹp, tầm nhìn bao quát cả khu vực miền núi huyện Ba Bể. Những ngày trời quang, nắng ráo có thể nhìn thấy đỉnh núi Phja Oắc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cao 1.936 m so với mực nước biển. Tiếp theo, điểm thứ hai là khu Bản Cám Bân, xã Cao Thượng, nằm ngay trên quốc lộ 279 nối từ Bắc Kạn đến Tuyên Quang, giao thông rất thuận lợi, cách hồ Ba Bể khoảng 2 km đường chim bay, đường bộ cách khoảng 12 km, di chuyển bằng phương tiện ô-tô mất khoảng 30 đến 40 phút. Tại đây có đỉnh Tọt Còn cao 1.300 m so với mực nước biển, từ đó, bằng mắt thường có thể nhìn thấy cả hồ Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) và ngắm trọn vẹn hồ Ba Bể.
Chúng tôi đặt chân lên đỉnh Ðồn Ðèn. Dù rằng chinh phục đỉnh núi không tốn giọt mồ hôi vì đã có ô-tô nhưng cái cảm giác đứng trên cao, ánh nắng như đang "mọc" lên từ bên kia núi, mây quanh quất sườn núi, thậm chí ngay dưới chân. Thật kỳ lạ! Du khách không khỏi phấn khích bởi bức tranh hùng vĩ và diễm lệ ngay trước mắt. Ðứng trên đỉnh núi, có thể thấy một bên là hồ Ba Bể, một bên là Chợ Lèng, xã Quảng Khê. Xa hơn nữa, phía sau biển mây kia là những dải rừng của tỉnh Cao Bằng. Biển mây bao la, trắng muốt, khi mặt trời mọc, biển mây ngay dưới chân du khách, xa xa là những ngọn núi cao lô nhô như mọc lên từ lòng biển mây, tạo thành khung cảnh ngoạn mục trong ánh nắng mặt trời như mọc lên từ trong mây, càng tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Ba Bể.
Sửa soạn "đường băng" để cất cánh
Ðể Ba Bể cất cánh, trở thành điểm đến du lịch còn cả một hành trình dài. Thế nhưng, từ trên đỉnh Núi Hoa đã có những người "cất cánh" theo đúng nghĩa đen bằng hình thức dù lượn. Mày mò, tự kết nối, nhóm các công ty du lịch tại Ba Bể đã liên hệ Câu lạc bộ hàng không phía bắc lên khảo sát đỉnh Núi Hoa để bay thử. Ðể bay được dù lượn cần có độ cao, khoảng cách, điểm hạ cánh, gió… nhất định và sau chuyến bay thử, tất cả đã cho thấy, bay dù lượn từ đỉnh Núi Hoa hứa hẹn sẽ là trải nghiệm khó quên với bất cứ du khách nào. Còn gì bằng khi "lượn" trên biển mây, ung dung ngắm hồ Ba Bể từ trên cao, rồi hạ cánh xuống gần những nhà sàn homestay ven hồ.
Anh Hoàng Phú, một trong những người tiên phong kết nối Câu lạc bộ hàng không phía bắc cho biết, theo đánh giá của các phi công, Ba Bể có thể phát triển thành điểm bay dù lượn có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Về góc độ kỹ thuật, tốc độ gió, hướng gió, thời gian gió đều đáp ứng và đặc biệt đây là điểm bay có độ chênh cao từ vị trí cất cánh đến hạ cánh gần như cao nhất Việt Nam, với điểm bay từ độ cao 1.300 m, điểm hạ cánh 300 m, tạo độ chênh lên tới 1.000 m.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đang đặt quyết tâm rất cao với mục tiêu đưa du lịch của tỉnh "cất cánh". Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh đã khẳng định, du lịch là một trong bốn trọng tâm của tỉnh. Trong đó, hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là nâng tầm khu du lịch Ba Bể và cùng tỉnh Tuyên Quang quyết tâm xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang) trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới.
Ðể có thể đưa du lịch cất cánh trong giai đoạn tới, Bắc Kạn đã trải qua một quá trình dài chuẩn bị. Tỉnh thuê nhà thầu tư vấn từ Nhật Bản tiến hành quy hoạch lại toàn bộ khu du lịch Ba Bể. Tỉnh tranh thủ mọi nguồn lực, sự giúp đỡ từ Trung ương và đến năm 2021 sẽ khởi công đường du lịch từ TP Bắc Kạn tới xã Quảng Khê (Ba Bể), ngay dưới chân Núi Hoa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Ðinh Quang Tuyên chia sẻ, khi tuyến đường mới từ TP Bắc Kạn đến Quảng Khê (Ba Bể) hoàn thành, đồng thời nâng cấp xong đường từ Chợ Mới đến TP Bắc Kạn, thời gian từ Hà Nội đến hồ Ba Bể sẽ chỉ mất khoảng ba giờ đồng hồ. Tỉnh Bắc Kạn đang quyết liệt triển khai các thủ tục để sớm khởi công đường và chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư du lịch vào Ba Bể. Rất vui mừng là đến nay, có nhiều nhà đầu tư lớn đặt vấn đề nghiên cứu, đầu tư vào du lịch tại địa phương. Ðó là "đường băng" để Ba Bể cất cánh!
Chúng tôi kết thúc hành trình săn mây trên đỉnh Núi Hoa, vãn cảnh hồ Ba Bể bằng bữa tối trong nhà sàn homestay ven hồ. Thật thú vị khi nhấm nháp cá nướng, tôm chua, rau rừng, thịt treo gác bếp cùng chén rượu ngô và ngắm cảnh trăng treo trên hồ Ba Bể giữa cái lạnh đầu đông. Câu chuyện về phát triển du lịch ở vùng hồ Ba Bể đang trở nên sôi nổi hơn lúc nào hết. Tỉnh Bắc Kạn vừa thành lập Hiệp hội du lịch với thành viên chủ yếu là những người dân làm du lịch homestay, khách sạn, lữ hành ở Ba Bể. Mới đây nhất, website du lịch nổi tiếng thế giới là Lonely Planet đã đưa ra bình chọn về 10 "kỳ quan thiên nhiên" đẹp nhất Việt Nam, trong đó có Vườn quốc gia Ba Bể. Bắc Kạn đang khơi dậy, phát triển tiềm năng vốn đã "ngủ yên" nhiều năm nay trên Ba Bể. Tin rằng, không lâu nữa, Ba Bể sẽ là điểm đến của nhiều du khách đường xa.
TUẤN SƠN