Kỷ niệm 2570 năm ngày sinh Khổng Tử: KHỔNG PHU TỬ VỚI NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

Đăng bởi doisongvaphattrien

27/02/2021 11:39

Khổng Phu Tử (孔夫子) thường gọi là Khổng Tử ( 孔子); sinh ngày 28 tháng 9 năm 551 TCN, mất ngày 11 tháng 4 năm 479 TCN là nhà tư tưởng, nhà giáo dục và chính trị với triết lý sống nổi tiếng đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội.

Khổng Phu Tử cùng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (563 - 483 TCN) và Lão Tử được coi là 3 nhà tư tưởng lớn của văn hóa phương Đông, người Trung Hoa tôn ông là Bậc thầy của muôn đời (Vạn thế Sư biểu).

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những hoạt động của Phu Tử. Trong bài "Khổng Tử" đăng trên báo "Thanh Niên" ngày 20 tháng 2 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nêu những giá trị, nhưng cũng phân tích những mặt tiêu cực của Khổng học để đi đến một quan điểm không cực đoan. Người cho rằng, từ xa xưa, người An Nam đã rất tôn kính nhà hiền triết này. Đạo đức, học vấn và kiến thức của Khổng Tử làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục. Đạo đức của ông là hoàn hảo, nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông? Sau này, khi đề cập tới Khổng Tử, Người đều nhấn mạnh đến những giá trị đạo đức nhiều hơn là chính trị và chỉ ra Khổng Tử dạy Đạo đức là nhân nghĩa.

Tổng kết cuộc sống, trong sách Luận ngữ Khổng Phu Tử có ghi “Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi bất hoặc, Ngũ thập tri thiên mệnh, Lục thập nhi nhĩ thuận  và Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ” đã để lại cho đời sau những bài học sâu sắc.

Khổng Tử (551-479 TCN) nhà nho học và triết gia nổi tiếng Trung Hoa (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng với những bộ sách, ở tuổi 69, Phu Tử còn bắt tay vào việc hiệu đính những cổ thư bị tản nát, nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến đời sau nhầm lẫn; Ông đã san định kinh sách Thánh hiền, lập thành 6 cuốn Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu. Mỗi cuốn nói về một vấn đề từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học; có thể coi đó là những cuốn Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử văn hóa Trung Hoa. Ngoài những ấn phẩm để lại, hành vi ứng sử hàng ngày của Khổng Tử đối với học trò và người đương thời cũng là những tấm gương sáng về nhân cách làm người hài hòa và dung dị. Dưới đây xin giới thiệu một vàì mẩu chuyện nhỏ, ngõ hầu làm rõ thêm tư tưởng uyên bác của một con người lừng danh.

Không Tử học đàn

Vào thời Xuân Thu, ở nước Lỗ có một bậc thầy về âm nhạc tên là Sư Tương được nhiều người ngưỡng mộ. Năm 30 tuổi, Khổng Tử đã bái Sư Tương làm thầy dạy đàn cho mình.

Ngay từ bản nhạc đầu tiên, Khổng Tử đã học rất chăm chỉ. Sau mười ngày luyện tập, kỹ thuật chơi đàn của ông đã thành thạo. Nghe xong khúc nhạc Sư Tương liền bảo “Khúc nhạc này con đã thuần thục, có thể chuyển sang học bản tiếp theo”. Khổng Tử kính cẩn đáp lời “Thưa thầy! con tuy đã quen với khúc nhạc nhưng vẫn chưa nắm bắt được kĩ xảo của nó” và vẫn chuyên cần luyện tập bản nhạc như mọi khi.

Một thời gian sau, Sư Tương thấy Khổng Tử đã đàn thành thạo nên nói “Con đã nắm bắt được kỹ năng của bản nhạc này, nên chuyển sang học bản khác”. Ngẫm nghĩ một lát Khổng Tử trả lời “Mặc dù đã thành thạo kỹ năng, nhưng con vẫn chưa nắm được tư tưởng và tình cảm của bản nhạc”….

Một ngày không xa đến nhà Khổng Tử, sau khi nghe đàn, Sư Tương bị mê hoặc bởi thanh âm phát ra bèn nói“Con đã hiểu được tư tưởng và tình cảm chứa trong bản nhạc, chúng ta học từ khúc mới đi!”. Khổng Tử đáp lại “Con vẫn chưa lĩnh hội được người sáng tác bản nhạc này là người như thế nào?”.

Thời gian cứ như thế trôi qua. Rồi một hôm, Khổng Tử vui mừng đến thưa với Sư Tương rằng “Thưa thầy! Con đã hình dung được tác giả của khúc nhạc này là người như thế nào rồi. Đó là người có khuôn mặt trang nghiêm cùng thân hình vạm vỡ, ánh mắt sâu sắc sáng ngời, trong lòng luôn suy nghĩ lấy đức phục người, cảm hóa tứ phương. Người như vậy, ngoài Chu Văn Vương thì không thể là ai khác”.

Sư Tương hết sức kinh ngạc vội nói “Không sai, bản nhạc đó chính là của Chu Văn Vương. Sự chăm chỉ và nỗ lực của con thật tuyệt vời!”.

Khổng Tử nổi tiếng là một người tài hoa, uyên bác. Trong bất cứ việc gì ông cũng đều hành động cẩn trọng, tìm hiểu tường tận gốc rễ, lĩnh hội từng chút một. Chính vì thế, ông mới có thể thấu hiểu, tường tận bể tri thức của thiên hạ.

Con trẻ còn biết nhiều điều hơn ta

Là người ưa thích học hỏi, Khổng Tử thường cùng các học trò đi khắp đất nước, quan sát và tìm hiểu cuộc sống, khám phá những dòng chảy vô tận của tri thức. Vào một ngày hè, Khổng Tử cùng khoảng 20 học trò qua một vùng quê, thưởng lãm cảnh sắc xanh tươi của cây lá, cỏ hoa. Bỗng họ nhận ra một con đường vắng vẻ, um tùm, có lẽ lâu lắm chưa có người qua.

"Ta muốn đi con đường này, hẳn chúng ta sẽ có những khám phá mới lạ !" Khổng Tử nói với các học trò. Rồi họ chọn đi theo lối đó. Chưa được bao xa, trước mắt họ hiện ra một ngôi làng nhỏ. Không xa đó, một đám trẻ đang xây cung điện từ đá và củi khô; chúng làm việc hăng say đến mức chẳng cần ngước lên nhìn những người lạ đang đứng trước mặt.

"Ta muốn đến ngôi làng này, có thể dân làng sẽ dạy cho chúng ta biết những điều mới lạ?" Khổng Tử lên tiếng.

"Vâng, trò sẽ bảo những đứa trẻ kia dẹp cung điện, tránh đường cho xe ngựa đi qua", một người học trò đáp lại. Rồi anh ta lớn tiếng với lũ trẻ "Các cháu! Thầy ta muốn đến ngôi làng kia,cung điện của các cháu đang chắn đường, xe ngựa không qua được, hãy dẹp bỏ đi!".

Ba trong bốn đứa trẻ sợ hãi chạy nấp vào bụi rậm ven đường,còn đứa trẻ thứ tư không di chuyển, nó chắp 2 tay rồi lễ phép nói: "Các ông đi đường vòng thôi! Cháu chưa thấy ai phải phá dỡ cả cung điện chỉ để cho xe ngựa đi qua. Cháu không thể làm theo ý các ông được!".

Cả đám người kinh ngạc, thốt lên: "Sao cháu dám ăn nói hàm hồ như vậy? Không biết đây là Khổng Tử - người thông thái nhất hay sao? Hãy dẹp ngay cung điện đi để ngài đến thăm làng các cháu".

Thấy cậu bé không tránh đường, Khổng Tử ngồi trên xe tò mò xuống hỏi nguyên do. Nghe xong mỉm cười, nói với cậu bé: "Cháu cho ta biết lý do đi xem nào?".

"Chẳng ai đi dời cung điện chỉ để cho xe ngựa đi qua cả", một lần nữa cậu bé khẳng định.

"Vậy ta sẽ hỏi cháu vài câu, nếu cháu trả lời được, ta sẽ đi đường vòng, còn nếu không thì cháu phải để cho ta đi qua con đường này". Chú bé đồng ý.

-Vậy nước gì không có cá nào?

Không nghĩ lâu, cậu bé trả lời

- Nước giếng.

Gật đầu, rồi Khổng Tử hỏi tiếp:

- Lửa gì không có khói?

- Lửa đom đóm. Cậu bé đáp lời

Khổng Tử cười lớn "Cháu đúng là đứa trẻ thông minh. Ta thấy cháu chú ý đến thế giới xung quanh. Vì thế, ta sẽ không động đến cung điện của các cháu mà đi đường vòng".

Trước sự ngạc nhiên của Khổng Tử, cậu bé lại gần cầm tay ông rồi nói "Cháu muốn hỏi lại ông vài câu, vì người ta nói ông là người thông thái nhất trên đời. Nếu ông trả lời được, cháu sẽ dỡ cung điện và dẫn các ông đi đến tận làng của cháu".

Nghe vậy, học trò Khổng Tử ồ lên tức giận, cho rằng thằng bé thật to gan, nhưng Khổng Tử lại rất bình tĩnh đồng ý với lời thỉnh giáo.

Nhìn lên hầu trời, chú bé hỏi ông " trên trời có bao nhiêu ngôi sao?".

Khổng Tử lúng túng, cố tìm câu trả lời nhưng cuối cùng thừa nhận không thể đưa ra đáp án.

Cậu bé hỏi tiếp "Vậy có bao nhiêu đám mây trên đầu ông?".

Lại một lần nữa, Khổng Tử không có câu trả lời. Rồi Ông nói "Đây đều là những câu hỏi trừu tượng; Cháu hãy hỏi điều gì thực tế hơn đi".

"Vậy trên đầu ông có bao nhiêu sợi tóc?" cậu bé bình tĩnh hỏi lại.

Khổng Tử cười trừ, lắc đầu trước câu hỏi khó. Vậy là, trên con đường đất nhỏ ở giữa một vùng nông thôn, ông đã nhận ra kiến thức quả là vô hạn, bất kỳ ai cũng có thể trở thành thầy của người khác. Một cậu bé biết quan sát hoàn toàn có thể làm khó cho một bậc triết gia lỗi lạc như ông.

Gọi học trò tới gần, rồi Khổng Tử căn dặn "Hôm nay ta đã được đứa trẻ này dạy cho nhiều điều. Ta biết được rằng đôi khi trẻ con còn biết nhiều hơn ta, biết nhiều hơn tất cả những học giả. Không được đụng đến cung điện của cậu bé, chúng ta sẽ đi lối khác!".

Nghe Khổng Tử nói Cậu bé chắp tay, cúi xuống rồi nói "Ngài đúng là một người thông thái".

Kể từ đó, cậu bé dành hết thời gian cho việc học hành nghiêm túc, và lớn lên đã trở thành một trong những học giả tài năng và lỗi lạc của đất nước.

Cái lý ở đời

Nhan Hồi là học trò yêu quý của Khổng Tử, ông là người hiếu học và có đức hạnh. Một lần,  trên đường đi vô tình thấy cửa hàng vải rất đông người vây quanh; lại gần, Nhan Hồi mới biết đang xảy ra tranh cãi giữa người bán và người mua hàng. Người mua lớn tiếng nói: "Ba tám hai muơi ba, tại sao ông lại đòi tôi những 24 đồng tiền?"

Nghe vậy, Nhan Hồi lịch sự nói xen vào "Ba tám hai mươi tư, sao ông lại tính thành hai mươi ba? Tính sai rồi, đừng cãi nhau nữa!"

Người mua vải không nghe, chỉ thẳng mặt Nhan Hồi nói"Ai mời ông cãi lý, ông là cái thá gì? Muốn nói lý, chỉ có tìm Khổng Phu Tử, sai hay đúng chỉ có ông ta mới nói được. Đi! chúng ta tìm ông ta phân xử để xem ai đúng ai sai?."

Nhan Hồi đáp: "Được! nếu Phu Tử nói ông sai thì sẽ thế nào?"

"Nếu nói tôi sai, tôi sẽ mất đầu. Còn ông thua thì sao?" Người mua vải hỏi.

"Tôi thua sẽ để ông lấy cái mũ đang đội trên đầu." Nhan Hồi trả lời

Đánh cược xong, hai người đưa nhau đi tìm Khổng Tử.

Nghe rõ câu chuyện, nhìn học trò mình Phu Tử cười nói: "Ba tám hai mươi ba! Nhan Hồi, con thua rồi, lấy mũ đưa cho người ta đi!."

Nhan Hồi chưa bao giờ cãi lời thầy, nghe Khổng Tử nói mình sai liền bỏ mũ trên đầu xuống và đưa cho người mua vải. Người kia cầm mũ, đắc ý ra về.

Với lời phân định của thầy, bề ngoài Nhan Hồi tỏ ra phục tùng nhưng trong lòng vô cùng khó chịu. Cho rằng thầy mình hồ đồ, nên không muốn theo học nữa. Ngay hôm sau, lấy cớ có việc, Nhan Hồi xin phép về nhà. Hiểu rõ tâm sự của người học trò, Khổng Tử  không ngăn cản mà gật đầu đồng ý. Trước khi đi Nhan Hồi đến chào thầy. Khổng Tử muốn đệ tử làm xong việc rồi về, đồng thời dặn theo một câu "Thiên niên cổ thụ mặc tồn thân, sát nhân bất minh vật động thủ." mang hàm nghĩa Không nên nương náu, trú tránh ở dưới gốc cây cổ thụ nghìn năm, giết người mà không rõ thực hư thì không nên động thủ.

Nhan Hồi đáp lại "nhớ rồi!", sau đó quay người lên đường về nhà.

Trên đường về, trời bỗng nhiên nổi gió lớn, mây đen vần vũ kéo đến, rồi mưa như trút nước, sấm sét ầm ầm. Nhan Hồi vội chạy vào một gốc cây lớn bên đường, định đứng đó tránh mưa. Bất chợt, nhớ lại lời dặn của Thầy Thiên niên cổ thụ mặc tồn thân, nghĩ bụng dù sao cũng còn tình nghĩa thầy trò, cứ nghe Thầy thêm một lần xem sao. Nghĩ vậy, Nhan Hồi vội chạy khỏi gốc cây. Chạy được một đoạn chưa xa, một tiếng sét chói tai, đánh trúng cây cổ thụ khiến thân cây bị xé toạc làm nhiều mảnh. Nhan Hồi kinh ngạc khi nghĩ về sự ứng nghiệm của vế đầu tiên trong lời dặn của thầy và suy nghi chẳng lẽ mình còn giết người nữa hay sao?

Mang theo băn khoăn đó trở về. Đến nhà, đêm đã muộn không muốn kinh động người nhà, Nhan Hồi dùng thanh bảo kiếm mang theo đẩy then cài cửa, đến trước giường ngủ ông giật thót mình, khi quờ tay ở đầu giường thấy có một người nằm và phía cuối giường cũng lại có một người. Nổi cơn thịnh nộ, Nhan Hồi tức tối cầm ngay thanh kiếm định xông vào chém, nhưng chợt nhớ đến lời Thầy dặn Sát nhân bất minh vật động thủ, ông khựng lại.Thắp nến lên nhìn kỹ, ông mới nhận ra trên giường là vợ và em gái của mình.

Trời sáng, Nhan Hồi vội vã lên đường trở về ngay nơi Khổng Tử ở. Vừa thấy Thầy, ông liền quỳ rạp xuống nói: "Thưa Thầy! lời Thầy dặn đã cứu được con, vợ con và em gái con, làm sao thầy có thể biết trước được rằng sẽ xảy ra những chuyện như vậy?"

Khổng Tử đỡ Nhan Hồi dậy và nói: "Hôm qua trời oi nóng, ta đoán sẽ có mưa gió, sấm sét, vì thế nhắc con không nên đứng dưới gốc cây. Con về nhà mà trong lòng giận dữ khó chịu, trên người lại mang theo bảo kiếm, vì thế ta chỉ nhắc con không giết người mà chưa biết rõ thực hư mà thôi!"

Nhan Hồi cúi người kính cẩn: "Thầy liệu sự như thần, học trò vô cùng kính phục."

Khổng Tử tiếp lời "Ta biết con xin nghỉ về nhà có việc chỉ là cái cớ, thực ra con cho rằng ta hồ đồ nên không muốn theo học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói ba tám hai mươi ba là đúng. Con thua, nhưng chỉ mất một cái mũ; nếu ta nói ba tám hai mươi tư, người ta thua, chẳng phải mất một mạng sao? Cái mũ của con quan trọng hay mạng người là quan trọng hơn?"

Nhan Hồi lại một lần nữa kinh ngạc và bừng tỉnh ngộ, ông quỳ rạp trước mặt thầy nói "Thầy trọng đại nghĩa mà xem nhẹ thị phi, học trò đã cho rằng Thầy tuổi cao mà thiếu tỉnh táo, trò thật vô cùng xấu hổ."

Kể từ đó, Khổng Tử đi đâu, Nhan Hồi cũng đi cùng, chẳng mấy khi rời xa.

Nồi cơm của Khổng Tử

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có cả Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò ưu tú nhất.

Ngày ấy, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát, nhưng không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

Ngày đầu tiên đến đất Tề, có nhà hào phú từ lâu nghe danh Phu Tử đã đem biếu thầy trò ít gạo. Khổng Tử liền phân Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn việc nấu cơm thì giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà ông đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi xuống bếp nấu cơm, còn Khổng Tử thì đọc sách ở nhà trên, cách bếp một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm vào tay và nắm thành nắm. Đậy vung lại, dừng chốc lát, rồi Nhan Hồi từ từ đưa nắm cơm lên miệng. Nhìn thấy hành vi này, cảm thấy thất vọng Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lại ăn vụng thầy, vụng bạn? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.

Lát sau, Tử Lộ cùng các môn sinh mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau, còn Khổng Tử vẫn nằm im với niềm đau khổ. Rau chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà; tất cả môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước các con vẫn một dạ theo thầy. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được cơm ăn. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ cho nên muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng? Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”

Học trò không rõ Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc này Nhan Hồi liền chắp tay thưa “Dạ thưa thầy! nồi cơm này không được sạch ạ!”

Khổng Tử hỏi lại “Vì sao?”

Nhan Hồi nói “Dạ, khi cơm chín con mở vung xem thử đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, con nhanh tay đậy vung nhưng không kịp, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống đã làm bẩn cả nồi cơm. Sau đó, con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi nhưng lại nghĩ cơm ít, anh em lại đông, vứt bỏ lớp cơm bẩn này thì mất một phần ăn, vì thế con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Thưa Thầy!như vậy là con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa Thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong, hiểu rõ sự việc, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt nữa là Khổng Tử này đã trở thành một kẻ hồ đồ!”

Tục ngữ có câu “Nhãn kiến vi thực” (mắt nhìn thấy thì mới là thật). Con người thường chỉ tin vào những gì tận mắt nhìn thấy; nhưng ở đời lại không đơn giản ,có những thứ dù mắt nhìn thấy, tai nghe được nhưng cũng chưa chắc đã là sự thật. Nếu chỉ bằng cặp mắt nhìn mà không tìm hiểu thấu đáo và nhận định đúng đắn ở các khía cạnh khác nhau thì người ta vẫn có thể mắc phải sai lầm, cho dù đó là thánh nhân như Khổng Phu Tử.\

Khổng Tử với người ngư dân tặng con cá ế

Khổng Tử thường đưa đệ tử đi chu du các nước, có lần thầy trò họ đến nước Sở, còn chưa kịp làm quen với phong tục của nơi đây, đã có một ngư dân mang đến cửa một con cá lớn, đòi dâng cho Phu Tử. Chỗ ở chưa ổn định nhưng nhận được sự tiếp đãi long trọng, các đệ tử đều rất vui mừng, nhanh chóng đưa người ngư dân đến trước mặt Khổng Tử. Hiểu ý của người đánh cá, Phu Tử cũng biểu đạt không thể nhận được, vì ông đã có một nguyên tắc, không có công thì không hưởng lộc.

Vừa nghe không cần, mặt người đánh cá đã đỏ bừng lên và vội vàng nói: "Khí trời nóng bức, tôi đã đến cả mấy cái chợ xa nhưng vẫn không bán được, bán không được thì chỉ còn nước vứt cá đi, nhưng làm như thế chẳng bằng đem tặng cho ngài còn tốt hơn". Nghe người ngư dân nói vậy,các đệ tử vô cùng bức xúc, có người giận dữ chen vào: " vì không bán được, vứt đi thì tiếc, ông mới đem tặng Thầy chúng tôi à? Hóa ra, lấy cá của ông, chúng tôi cũng sẽ giống như cái mương nước hôi hám, trở thành nơi cho ông vứt cá hay sao?

Người đánh cá lúc này càng đỏ mặt hơn như muốn phân bua giãi bày. Ngay khi đó, Khổng Tử từ từ đứng dậy, cúi đầu trước người đánh cá hai lần, cung kính nhận con cá và nói: "Cảm ơn món quà của ông, ta không thể không nhận tấm lòng của ông được."

Người đánh cá đi rồi, Khổng Tử liền bảo học trò rửa sạch con cá và chuẩn bị nghi thức cúng tế. Các đệ tử nhìn nhau sửng sốt, không hiểu Thầy định làm gì, liền hỏi: "Người đánh cá đó muốn vứt nó đi, mà Thầy lại muốn cúng tế nó, lí do là sao vậy ạ?"

Khổng Tử bình tĩnh đáp lời: "Ta từng nghe nói những người dốc sức bố thí và không lãng phí những thứ dư thừa đều là thánh nhân. Bây giờ ta nhận quà tặng của thánh nhân, làm sao có thể không cúng tế được?"

doisongvaphattrien
Nguồn https://doisongvaphattrien.vn/ky-niem-2570-nam-ngay-sinh-khong-tu-khong-phu-tu-voi-nhung-cau-chuyen-doi-thuong-20898.html?fbclid=IwAR3YPzQCei2L2XzzzbGjxWXGP4L1asmAyq_TfHR9OeER2lcdFt5aFwkLFlc
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 2570 năm ngày sinh Khổng Tử: KHỔNG PHU TỬ VỚI NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG" tại chuyên mục Truyền thống. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.