Hoa quỳnh chữa bệnh

Đăng bởi Thái Bình

17/10/2020 23:42

“Nữ hoàng bóng đêm” là biệt hiệu mà dân gian đặt tên cho hoa quỳnh. Loài hoa chỉ nở về ban đêm nhưng lại có công dụng đặc trị bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp và phổi.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cây hoa quỳnh có tên gọi khác là chi quỳnh, đàm hoa, thuộc họ xương rồng. Tên khoa học là epiphyllum. Trong tự nhiên tại các khu rừng nhiệt đới, cây hoa quỳnh thường sống nhờ bám vào thân của các cây khác. Khi trưởng thành, cây hoa quỳnh có thể cao lên tới 2m. Các đốt thân cây có dạng dẹp, trông gần như những chiếc lá lớn, màu xanh lục và hơi tía ở phần mép thân. Rìa mép thân có gai xen lẫn với những lông tơ trắng nhỏ. Hoa rất lớn, nở về đêm, tỏa hương thơm ngào ngạt. Các cánh hoa ở lớp bên ngoài thường có màu nâu hay cam nhạt, các cánh hoa bên trong có màu trắng hoặc đỏ hay tím… Nhị và nhụy hoa có cuống rất dài. Những bông hoa nở trong khoảng vài giờ và héo rũ vào sáng hôm sau.

Đây là loài cây có nguồn gốc từ các vùng sa mạc và bán sa mạc của Antilles (quần đảo thuộc vùng biển Caribbean), Mexico, Mỹ. Theo một số tài liệu, cây hoa quỳnh được Christopher Columbus đưa sang châu Âu vào thế kỷ XV. Sau loài cây này được đưa sang trồng ở nhiều khu vực khác chủ yếu với mục đích làm cảnh. Cây hoa quỳnh được du nhập vào trồng ở nước ta từ lâu đời.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo Đông y, bộ phận dùng để làm thuốc là thân và hoa quả. Thường cây hoa quỳnh được thu hái quanh năm, thu khi hoa vừa nở. Ngắt hoa quỳnh còn tươi vừa nở, có thể chiết dịch cây tươi hay đem phơi khô để uống như trà, hoặc ngâm rượu để dùng dần.

Hoa của loài cây này có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh phế (mát phổi), chỉ khái (chống ho), hóa đàm (làm loãng và tan đàm), tiêu viêm (sưng đỏ đau) cầm máu. Do đó, hoa quỳnh được xem là vị thuốc đặc trị các bệnh ở phổi và hệ hô hấp. Thân cây quỳnh có vị chua, hơi mặn, tính mát, có tác dụng tiêu thũng, tiêu viêm, chỉ thống (chống đau).

Một số tài liệu có ghi chép rằng, hoa quỳnh với thịt lợn thành món ăn để trị các bệnh như: viêm phế quản, lao phổi, lao hạch… Ngoài ra, loại hoa này có thể chữa được các bệnh như: sỏi bàng quang, sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Trong dân gian, người ta thường ngâm hoa quỳnh tươi hoặc khô với rượu gạo, ngâm càng lâu, hoa quỳnh càng phát huy tốt công dụng của chúng. Có thể sử dụng sau 10 – 15 ngày ngâm. Ngoài ra, có thể sử dụng hoa quỳnh tươi và khô sắc lấy nước uống hoặc nấu với các loại thực phẩm khác, bổ sung vào thực đơn của gia đình.

 Bài thuốc từ hoa quỳnh

Chữa ho có đờm, hen: Sử dụng hoa quỳnh tươi được thái nhỏ, chưng cắt thủy với một ít mật ong. Hoặc có thể sử dụng để nấu với trứng gà.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chữa ho thông thường, viêm họng: Dùng 30g hoa quỳnh, 10g lá xương rồng, đem rửa sạch, thái nhỏ, thêm 10ml mật ong và đen cách thủy 15 - 30 phút. Sử dụng mỗi ngày 2 lần, có thể sử dụng lúc còn nguội.

Chữa đau bụng, vết thương bị sưng, đau: Ngâm một lượng rượu với hoa quỳnh tươi trong vòng 10 – 15 ngày. Mỗi ngày uống 1 – 2ml/lần.

Chữa viêm phế quản: Dùng 10 – 30g hoa quỳnh tươi đem nấu với một ít thịt nạc, và sử dụng như món ăn hàng ngày.

Chữa mệt mỏi, suy nhược cơ thể: Sử dụng 30g hoa quỳnh, 30g hoa kim tước, 30g hà thủ ô, 50g đỗ trọng. Đem sắc để lấy nước uống.

Chữa các bệnh sỏi (sỏi thận, sỏi bàng quang,…): Sử dụng hoa quỳnh còn tươi hoặc khô, thái nhỏ, tẩm mật và được sao vàng. Sử dụng 20 – 30g pha với nước sôi dùng như nước trà hoặc đem đi sắc cùng với 200ml. Sử dụng liên tục trong vài tuần.

Chữa bệnh đái tháo đường: Sử dụng hoa quỳnh cùng với 20 gram diếp cá, 20g kim tiền thảo, 10g rễ cỏ tranh. Sắc lấy nước uống và chia thành 3 lần uống mỗi ngày.

Điều trị đau vai, tức ngực, khó thở: Sử dụng 2 – 3 bông hoa quỳnh nấu với 400g phổi lợn và sử dụng bổ sung vào thực đơn hàng ngày của gia đình.

Điều trị xuất huyết tử cung, rối loạn kinh nguyệt: Dùng 2 – 3 bông hoa quỳnh tươi nấu với 400g thịt lợn nạc.

Bài thuốc có tác dụng bổ phổi: Sử dụng hoa quỳnh và hoa bách hợp mỗi loại 30g đem nấu lấy nước uống.

 Lưu ý:

Không sử dụng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành có trong cây hoa quỳnh. Phụ nữ mang thai không được sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh. Ngưng sử dụng khi gặp phải các triệu chứng như: Mê sảng nhẹ, rối loạn tâm thần, áo giác. Không được lạm dụng cây hoa quỳnh để điều trị bệnh, có thể gây ra kích ứng dạ dày, nhịp tim thất thường, co thắt tim, tức ngực. Trong quá trình điều trị bằng dược liệu này, cần xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý cũng như chế độ sinh hoạt hàng ngày. Hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng.

Thái Bình
Nguồn http://vanhien.vn/news/hoa-quynh-chua-benh-78867
Bạn đang đọc bài viết "Hoa quỳnh chữa bệnh" tại chuyên mục Cây thuốc quanh ta. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.