Học từ mẹ thiên nhiên
Bám cả hai tay vào cành bưởi, người nông dân ra sức rung đủ ba lần rồi chuyển sang một cành khác với những thao tác tương tự. Mỗi cây phải rung 5 - 7 cành chính có nhiều hoa, khi gặp cành to hay cao khó với thì đã có cái gậy với một đầu móc phụ trợ. Sau mỗi cú rung như thế là một cơn mưa nhân tạo của lớp lớp cánh hoa rụng lả tả phủ trắng xóa dưới gốc, là lớp lớp phấn vàng, nhỏ li ti theo gió bay thơm nồng khắp không gian.
“Nắng thì tôi rung để cho phấn bay từ tán trên xuống tán dưới, đỡ phải đi thụ còn mưa thì phải đi rung để những cánh hoa đã nở ra rụng đi, đỡ bị nấm thối lây sang quả, để những giọt sương còn đọng lại rơi xuống cho khô đài, khô nhụy khi thụ phấn sẽ không bị bệt (dính nước), khó đậu. Mỗi cây mỗi ngày nở khoảng 300 bông chỉ cần thụ phấn bổ sung 30 bông, việc còn lại là của con ong, con bướm, con ruồi…”, anh Nguyễn Trí Năm - chủ nhân của 2 vườn bưởi rộng 1ha với 350 gốc ở xóm Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) cho tôi biết.
Mỗi mùa hoa kéo dài chừng 1 tuần đến 10 ngày phải cần đến 5 người vừa rung cây vừa thụ phấn, trong đó vợ chồng anh là chủ lực. Những ngày ấy đôi chân của họ như bị dính chặt vào khu vườn, không thể đi đâu được, sáng úp gói mì tôm lót dạ, trưa ăn chập ăn chuội cho xong, tối ngủ ngay tại lều bởi nhà cách đó tới hơn 20km.
Cánh nhân công 6h30 sáng đã đến, ngồi quây quanh ấm trà lá ổi chủ vườn pha cho, trò chuyện một hồi là bắt đầu công việc. Mỗi người được phát một cái gậy có gắn đầu móc để rung cây, một cái gậy có gắn chổi trang điểm của phụ nữ để thụ phấn và không thể thiếu khẩu trang để phòng phấn bay vào họng, vào mũi gây ho.
Những ai khỏe mạnh mới được chọn để rung cây dù lực không cần quá mạnh để tránh hại gốc, mỗi ngày làm hai lần, đầu giờ sáng và đầu giờ chiều, xong một lượt 350 gốc mới đi thụ phấn. Còn gầy yếu như chị Tề Thị Hoa - người cùng xóm cũng có một vườn bưởi nhỏ với 17 gốc thì chỉ đảm nhiệm được việc thụ phấn mà thôi.
Trước đó, từ tờ mờ sáng anh Năm đã phải leo lên cây bưởi chua trong vườn, hái những bông hoa còn chưa kịp hé, bỏ vào trong một cái thùng giấy để lấy nhị mà thụ. Khác với bầu bí là hoa đơn tính, có đực có cái, bưởi là hoa lưỡng tính, tức cả nhị và nhụy ở trên cùng một bông. Trường hợp không có các yếu tố tự nhiên thuận lợi như gió, ong, bướm... thì cây vẫn tự thụ phấn được nhưng tỉ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 15 - 20% nên muốn năng suất hơn vẫn cần phải có bàn tay người hỗ trợ.
Hoa bưởi nở không hẹn giờ, có khi vừa thụ xong 3 - 4 cây, quay lại cây đầu, những bông trước đó đang còn phong kín giờ đã chợt hé ra rồi. Phải nhè nhẹ tay khi chấm cái chổi trang điểm đã sẵn phấn vào nhụy hoa bởi hễ động mạnh về sau quả sẽ thành tật, bị vẹo vọ, khó coi.
Những hạt phấn bắt nắng nhạt sẽ phơi màu vàng óng ả, khô ráo, hứa hẹn một mùa vụ bội thu, còn nếu gặp nắng to sẽ bị bạc màu, không đậu quả. Trong vườn, hoa cây nọ có thể nở cách hoa cây kia 5 - 7 ngày nhưng đến mùa thì quả chín chờ nhau giống như những hạt lúa chờ nhau đồng loạt chín vàng trên cùng một bông.
Xã Nam Phương Tiến có 188ha bưởi, chủ yếu là Diễn nhưng trước đây bà con để cây thụ phấn tự nhiên, gặp đúng vùng hay có sương muối, phấn bị nhạt màu, khó đậu quả nên cứ bị mất mùa mãi. Xót của, có người còn dựng cả những cái rạp như rạp đám cưới trong vườn cho bưởi tránh sương nhưng cũng không ăn thua. Đến năm 2016, anh Phùng Văn Hà - Giám đốc HTX Bưởi Núi Bé mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo bằng trồng xen bưởi Diễn với bưởi chua, thụ phấn nhân tạo bằng chổi trang điểm, từ đó lan tỏa khắp vùng, khắc phục được tình trạng mất mùa.
Tuy nhiên chỉ anh Năm là có thêm “độc chiêu” rung cây. Theo anh kỹ thuật này có được nhờ quá trình quan sát trong tự nhiên, mỗi khi thấy có cơn gió thổi đánh ào một cái khiến cho cả vườn cây rung lên, cùng đồng loạt tung phấn nên mới tò mò làm thử. Sớm tinh mơ, trong khi ai đó còn đang rung một góc giường thì anh chị đã ra vườn để rung cho cây rụng sương xuống rồi đầu giờ chiều trong khi mọi người còn đang say giấc ngủ trưa họ lại rung tiếp cho cây giao phấn.
Rung cây giúp cho quả ngon, ngọt hơn
Năm đầu tiên anh Năm thử rung 50 cây nhưng không so sánh để biết sự khác biệt, đến năm thứ hai rung hết cả vườn rồi quan sát thì mới hay là có tác dụng. Những cây yếu, trước đây chỉ ra hoa bé như hoa chanh, rất khó đậu quả thì nay cũng cho thu hoạch. Năm thứ ba, thứ tư khi nhiều cây bưởi hơn 10 tuổi, thân đã to không thể rung được bằng tay thì anh chế thêm gậy. Đến vụ này là năm thứ năm anh áp dụng.
“Thụ phấn nhân tạo bằng hoa của giống bưởi chua sẽ cho quả có nhiều hạt còn rung cây cho thụ phấn bằng chính hoa bưởi Diễn sẽ cho quả ít hạt, ăn ngon, ngọt hơn nhưng cả hai kỹ thuật đều phải áp dụng song song bởi kết hợp giữa năng suất ăn chắc và chất lượng”, anh Năm kể.
"Sao anh lại biết quả nào đậu do thụ phấn, quả nào đậu do rung?" - tôi tò mò. Anh Năm vừa cười vừa trả lời mà tay vẫn không rời khỏi con dao sắc lẹm: “Tôi đang bổ đãi cậu những quả đậu do rung cây đây, chúng toàn ở vị trí trên cao, cành bổng, tay người khó với tới mà thụ phấn được. Những hạt phấn sau khi rung dính vào nhụy không thể nhìn thấy được mà chỉ biết tác dụng sau khi hoa rụng hết cánh, quả đã đậu”.
Không có giáo sư, tiến sĩ nào dạy mà chỉ có cây cối, thiên nhiên là những người thầy của anh. Từ chuyện tuyệt đối không động đến thuốc trừ cỏ độc hại đến chăm bón bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học ra sao, anh cứ quan sát mặt đất thấy giun dế sinh sôi, cỏ tốt tươi, trên thân thấy lá, hoa phát triển là biết được hướng đi của mình đúng.
Cây bưởi giống như người phụ nữ vô sinh nếu đã chữa khỏi, có được đứa đầu là từ đó cứ theo đà, theo sức mà sòn sòn đẻ. Chăm đúng kỹ thuật lại có tình yêu nồng nàn với cây nên chưa bao giờ vườn bưởi nhà anh Năm chịu cảnh mất mùa.
Vào mùa hoa, mỗi ngày anh dành tới 14 - 15 tiếng ở ngoài vườn. Khi tốp thợ đã về nhà, cơm tối xong xuôi, 10 - 11 giờ đêm anh vẫn còn lọ mọ cầm đèn pin ra soi vào đầu đài của hoa để xem cây có đủ nước hay không. Nếu đủ thì đầu đài bắt đèn, sáng như một giọt sương ánh lên trong nắng, quả sẽ cầm chắc đậu, còn khô thì phải tưới nước bổ sung ngay vào gốc bởi không làm thế quả chỉ lớn bằng ngón tay là rụng. Khi quả đã đậu nhỏ bằng hòn bi thì anh lại soi đèn để xem cây có bị sâu bệnh tấn công hay không, nhất là loại côn trùng chích hút hại nhiều như bọ xít.
Ngày ngày, ngắm cái cây dần dần biến đổi, từ nụ thành hoa, từ hoa thành quả con, quả nhỡ rồi quả to, quả chín, giai đoạn nào anh cũng thấy đáng yêu, đáng quý, đáng để tìm tòi, thử nghiệm. Người nông dân như anh trông trời, trông đất, trông mây mà vẫn còn lắm phấp phỏng. Bưởi đã được thu rồi mà dính trận mưa to là lòng như có ai xát muối. “Giống bưởi rất thèm nước mưa, đang hanh khô dù tưới loại gì chúng cũng không thích bằng nước trời, uống đẫy đến mức bật cả vành, đẩy cả vỏ ra, ăn rất nhạt, bán sẽ không được giá”, theo anh Năm.
Chăm sóc, yêu thương là thế nên vườn bưởi cũng trả công anh Năm một cách xứng đáng. Năm 2017 với diện tích hơn 1,5ha, bưởi lại đang có giá nên anh lãi hơn 200 triệu, còn mấy năm gần đây diện tích tuy bị thu hẹp lại do người dân không cho thầu nữa, giá bán lại hạ nhưng anh vẫn lãi trung bình hơn 100 triệu trong khi nhiều vườn khác thậm chí còn lỗ.
Cách đây đôi ba năm, anh Năm mượn 3 thùng ong về đặt trong vườn bưởi rồi quan sát, thấy chúng tản mát đi khắp nơi mà chẳng thụ phấn mấy. Thì ra hoa bưởi không có mật nên ong cũng ít ham muốn mà đến kiếm tìm.