Tía tô còn có tên là tử tô, tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britton, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Tía tô là một thứ rau gia vị thông dụng, đồng thời cũng là vị thuốc có nhiều công dụng, được sử dụng từ lâu đời trong dân gian và đông y cổ truyền. Những năm gần đây, các nghiên cứu về hóa học và dược lý phát hiện tía tô còn có nhiều hoạt chất và tác dụng tốt đối với sức khỏe mà trước đây người ta chưa biết, nên tía tô đã trở thành một thứ rau gia vị và dược liệu “thời thượng”, được trồng với quy mô lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada…, có giá trị kinh tế rất cao.
TÁC DỤNG THEO ĐÔNG Y CỔ TRUYỀN
Trong đông y cổ truyền, tất cả các bộ phận ở trên mặt đất của cây tía tô đều được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, tác dụng chữa bệnh của chúng không giống nhau - tùy thuộc vào bộ phận sử dụng, thời gian thu hái và cách bào chế. Cụ thể, đông y sử dụng những vị thuốc sau đây từ cây tía tô:
- Tô diệp là lá tía tô, còn gọi là tử tô diệp. Thu hái vào lúc cây bắt đầu có hoa là tốt nhất, phơi khô ở nơi râm mát và thoáng gió, cất đi dùng dần.
Tô diệp được xếp vào loại thuốc "tân ôn giải biểu" (thuốc cay ấm, dùng chữa cảm lạnh). Theo Đông y: tô diệp có vị cay, tính ấm, vào các kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng phát biểu tán hàn (giải cảm lạnh), lý khí hòa trung (điều hòa chức năng tiêu hóa) và an thai. Chủ trị ngoại cảm phong hàn, tỳ vị khí trệ (đầy bụng, tiêu hóa kém), thai động không yên, còn được dùng để giải độc tôm cua, mật cá.
Tô diệp bào chế bằng mật (mật chế) có tính năng tương đối hòa hoãn, phát biểu lý khí mà không làm tổn thương chính khí.
Ảnh minh họa nguồn internet
- Tô ngạnh là cành tía tô.
Theo Đông y, tô ngạnh có vị cay ngọt, tính hơi ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng lý khí giải uất, giảm đau (chỉ thống), an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa. Chủ trị ngực bụng đầy tức (hung phúc khí trệ, bĩ muộn tác trướng), thai động không yên. Tác dụng giải cảm của tô ngạnh không mạnh bằng tô diệp, nhưng lại có thêm tác dụng lý khí giải uất tương đối bình hòa, nên rất thích hợp với trường hợp cơ thể suy nhược.
Đông y còn phân biệt cành tía tô già và cành tía tô non. Cành già (lão tô ngạnh) thường thu hái vào cuối mùa thu, cắt toàn bộ phần cây ở trên mặt đất, bỏ riêng lá, cành non và quả, chỉ lấy những cành già. Cành non (nộn tô ngạnh), thường thu hái vào cuối mùa hạ; cắt những cành non, hái lá để riêng - dùng làm "tô diệp", cành để riêng - dùng làm "tô ngạnh". Cành già thường được sử dụng để an thai, chống nôn mửa khi mới có thai và chữa bụng trướng đau. Cành non thường được dùng chữa chứng "can khí phạm vị" - một dạng bệnh tiêu hóa, với các triệu chứng: ngực, bụng và hai mạng sườn đầy, tức, đau, ăn khó tiêu, đại tiện lúc nhão lúc rắn...
- Tô tử là quả chín của cây tía tô (thường gọi nhầm là hạt); còn có tên là tử tô tử, hắc tô tử, dã ma tử, thiết tô tử.
Theo Đông y, tô tử có vị cay, tính ấm, vào 2 kinh Phế và Đại tràng; có tác dụng giáng khí bình suyễn, trừ đờm, nhuận tràng; dùng trong các trường hợp cổ họng bị nghẽn tắc, khó thở, ho suyễn, ngực đầy tức... Tô tử tẩm mật sao có tính năng tương đối hòa hoãn, có thể sử dụng cả cho những người âm hư (suy yếu, âm dịch hao tổn).
- Tử tô bao là nụ tía tô, có dược tính tương đối bình hòa, có tác dụng làm ra mồ hôi để giải cảm mà không gây tổn thương nguyên khí, thường dùng chữa phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi đẻ cơ thể suy nhược bị cảm lạnh, chữa một số các trường hợp xuất huyết...
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ MỚI PHÁT HIỆN
Ngoài những tác dụng dược lý được chứng thực trên cơ sở các kinh nghiệm cổ truyền, như hạ nhiệt, kháng vi khuẩn và virus, giảm ho, tăng cường chức năng tiêu hóa, … những năm gần đây, y học còn phát hiện thêm những tác dụng dược lý mới:
- Tác dụng trấn tĩnh:
Kim Kiện Minh và cộng sự (2012) phát hiện: Chiết xuất nước từ tía tô có thể làm giảm hoạt động tự phát ở chuột nhắt bình thường, tăng cường tác dụng gây ngủ của pentobarbital sodium; kéo dài thời kỳ tiềm phục (làm chậm) tác dụng gây co giật của pentetrazol ở chuột nhắt.
Còn có kết quả nghiên cứu khác cho thấy: Cao nước lá tía tô và perillaldehyde trong tía tô, có tác dụng kéo dài rõ ràng thời gian gây ngủ của sodium hexobartital tiêm ổ bụng ở chuột nhắt; còn có tác dụng ức chế phản ứng thần kinh trong họng mèo, ức chế hưng phấn thần kinh tọa của ếch và tế bào thần kinh của ốc sên. Ngoài ra, chiết xuất nước tía tô còn có tác dụng ức chế vận động ở chuột cống (Quốc ngoại dược học: Thực vật dược phân sách, 1982(2): 39)
- Cải thiện trí nhớ:
Chu Đan và cộng sự đã sử dụng phương pháp trắc nghiệm nhảy bậc (step down test) và trắc nghiệm mê cung nước (water maze test) để quan sát ảnh hưởng của scopolamine tiêm ổ bụng, đối với khả năng ghi nhớ khi học tập của chuột nhắt. Kết quả cho thấy: Dầu hạt tía tô có khả năng giảm số lần mắc lỗi trong trắc nghiệm nhảy bậc và rút ngắn thời gian về đích trong trắc nghiệm mê cung nước, đồng thời có thể xúc tiến sự hình thành nucleic acid và protein, điều tiết mức độ chất dẫn truyền thần kinh trong não chuột nhắt – (Trung thảo dược 1994, 25(5): 251-252).
- Chống o-xi hóa:
Trong tía tô có một lượng lớn các polyphenol và flavonoids. Polyphenol là hợp chất có hoạt tính chống o-xy hóa tương đối cao, có thể ức chế quá trình o-xy hóa các lipoprotein mật độ thấp ( LDL). Các flavonoids trong lá tía tô, có tác dụng thanh trừ các gốc tự do tương đối tốt. Ngoài ra, chất chiết xuất từ lá tía tô (PLE), có tác dụng chống lại tác hại của tia tử ngoại đối với lớp chân bì ở da. – (Trung Quốc thực phẩm học báo, 2012, 12(11).
- Chống trầm cảm:
Takeda H và cộng sự (2002) đã tiến hành thực nghiệm theo phương pháp trắc nghiệm bơi cưỡng bức (Forced Swimming Test, FST) trên chuột nhắt, kết quả cho thấy: Chiết xuất nước từ lá tía tô có tác dụng chống trầm cảm rõ ràng. Nghiên cứu sâu hơn đã phát hiện, thành phần chống trầm cảm trong tía tô là rosmarinic acid.
Một kết quả nghiên cứu khác của Ito N và cộng sự (2008) cho thấy: rosmarinic acid có tác dụng kích thích sự tăng trưởng tế bào thần kinh vùng hải mã trong não của chuột nhắt, đồng thời làm giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm ở chuột nhắt thí nghiệm.
- Tác dụng cầm máu:
Kết quả nghiên cứu của Chu Nam Kinh và cộng sự cho thấy, tác dụng cầm máu của tía tô chủ yếu thể hiện trên các phương diện: rút ngắn rõ ràng thời gian xuất huyết và thời gian đông máu; thu nhỏ đường kính của các động mạch nhỏ, khiến lực cản trong dòng chảy tăng lên - (Giang Tô Trung y, 1992(2): 34-35). Nghiên cứu của Lương Minh Hoa và cộng sự cho thấy: Khi dùng ngoài, tía tô làm cho các vi động mạch trong hệ thống màng treo ruột của cóc co ngắn lại và làm cho đường kính của các vi mạch máu thu hẹp lại, khiến máu trở nên dễ đông hơn (Trung Quốc vi tuần hoàn, 1997, 1(2): 115-117)
- Tác dụng hạ huyết áp
Kết quả nghiên cứu của Kê Chí Hồng và cộng sự cho thấy dầu tía tô có tác dụng hạ huyết áp tâm thu trong động mạch đuôi chuột cống, trong mô hình tăng huyết áp thực nghiệm (Trung Quốc lâm sàng khang phục, 2004, 8(3): 464-465 )
- Chống viêm, chống dị ứng
Tía tô có khả năng điều tiết tác dụng kháng viêm của bạch cầu trung tính (neutrophil). Chiết xuất nước từ tía tô có hoạt tính chống viêm da đặc ứng (atopic dermatitis) rất mạnh, có thể làm giảm nhanh chóng mức độ sưng tai do 2,4-dinitrofluorobenzene (DNFB) gây ra ở chuột nhắt, làm giảm số bạch cầu ưa eosin ở vùng da lân cận. Hạt tía tô sao có tác dụng chống dị ứng. Chiết xuất cồn có tác dụng tốt hơn sodium cromoglycate, có thể làm giảm immunoglubilin E (IgE) toàn phần và immunoglubilin E (IgE) đặc dị. Dầu tía tô có thể ức chế sốc dị ứng do kháng nguyên. Cơ chế tác dụng chủ yếu liên quan đến sự ức chế các hóa chất sản sinh ra sau phản ứng kháng nguyên - (Trung thảo dược, 2001, 32(1): 85-867)
- Bảo vệ gan
Thí nghiệm trên mô hình tổn thương gan do ethanol, ở chuột nhắt, Dương Phàm (2007) phát hiện tía tô có tác dụng giảm nhẹ tổn thương tế bào gan do ethanol. Cảnh Cần phát hiện, chiết xuất cồn từ tía tô, có tác dụng bảo vệ gan tương đối tốt, khi gan chuột nhắt bị tổn thương cấp tính do CCl4; tác dụng của tía tô tương đương với tác dụng của bifendatatum - (Thực phẩm khoa học, 2014, 35(17): 260-265)
- Điều tiết chuyển hóa đường
Flavonoids toàn phần chiết xuất từ tía tô có tác dụng điều tiết tốt quá chuyển hóa đường, có khả năng làm giảm đường huyết, giảm hàm lượng TC, TG trong mỡ máu ở chuột nhắt bị mắc tiểu đường do allaxan (1/94: Trung Hoa y dược học san, 2011, 29(7): 1667-1669)
Chất chiết xuất từ lá tía tô có tác dụng giảm thể trọng chuột nhắt đực béo phì, giảm lượng mỡ trong nội tạng và trong mào tinh, điều tiết chức năng gan và mỡ máu, huyết đường, mức độ insulin và cải thiện tình trạng kháng insulin (Trung Hoa trung y dược tạp chí, 2017, 32(9): 3992-3996)
MỘT SỐ BÀI THUỐC CÓ TÍA TÔ:
Chữa cảm lạnh: Tô diệp (lá tía tô) được xếp vào loại thuốc "tân ôn giải biểu" (chữa cảm lạnh), nhưng tác dụng "phát biểu giải cảm" (làm ra mồ hôi, giải trừ tác nhân gây bệnh) không mãnh liệt như ma hoàng - không gây thương tổn chính khí, nên rất thích hợp với những người cơ thể vốn suy yếu mà bị cảm lạnh. Tùy theo chứng trạng cụ thể mà lựa chọn một trong số các bài thuốc sau:
- Cháo tía tô bạc hà: Lá tía tô tươi 20g, lá bạc hà tươi 8g, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 40- 60g. Cho gạo vào nồi đổ thêm nước nấu đến khi cháo chín, cho tía tô, bạc hà đã thái nhỏ và gừng vào đun sôi lại là được. Ăn khi cháo còn nóng. Dùng cho trường hợp cảm lạnh kèm theo ho (Thường kiến bệnh dân gian liệu pháp).
- Hương tô tán: Tô diệp 120g, hương phụ (củ gấu) 120g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 60g, cam thảo 30g, tất cả các vị thuốc đem tán thành bột thô, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 9-10g bột thuốc sắc nước uống. Dùng cho trường hợp bị cảm lạnh, kèm theo tức ngực, đầy bụng, không muốn ăn uống (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương).
- Sâm tô ẩm: Nhân sâm, lá tía tô, cát căn, bán hạ (tẩm gừng sao), tiền hồ, phục linh - mỗi vị 4g, mộc hương, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, trần bì - mỗi vị 6g, gừng tươi 3 lát, táo 1 qủa, sắc với nước, chia 3 lần uống khi thuốc còn ấm. Dùng cho trường hợp cơ thể vốn suy nhược, ăn uống khó tiêu, ngực bụng đầy tức, ho nhiều đờm, lại bị nhiễm lạnh cảm mạo (Thái bình huệ dân hòa tễ cục phương).
- Viêm khí quản mạn: Dùng lá tía tô và một ít can khương (theo tỷ lệ 10/1), chế thành dịch thuốc 25% lá tía tô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 100ml, liệu trình 10 ngày. Giữa các liệu trình nghỉ 3 ngày. Quan sát 552 trường hợp, sau 4 liệu trình, hiệu qủa rõ ràng 150 ca (27,2%), chuyển biến tốt 213 ca (38.6%), không kết quả 127 (23%). Sau khi dùng thuốc đa số bệnh nhân phản ảnh ăn uống ngon miệng hơn, một bộ phận thấy ngủ ngon giấc hơn, tim đập nhẹ hơn, cá biệt thấy lợi tiểu và giảm phù. Cá biệt thấy miệng khô, nước bọt giảm - nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, có tính tạm thời, không cần xử lý, sau một thời gian thì hết – (Trung dược đại từ điển).
- Chữa mụn cơm: Sát trùng mụn cơm và vùng da chung quanh (chỗ mụn cơm lồi lên có thể cắt bỏ sát mặt da). Lấy lá tía tô tươi xát vào chỗ mụn cơm 10-15 phút, mỗi ngày xát một lần. Thử điều trị 21 trường hợp, nói chung sau 2-4 lần xát thì khỏi – (Trung dược đại từ điển).
- Chữa động thai: Dùng lá tía tô 9g, cành tía tô 9g, bạch truật 9g, trần bì 6g, phục linh 6g, sắc với nước, chia 2-3 phần uống trong ngày (Trung Quốc bí phương đại toàn).
- Hen suyễn: Dùng “Tam tử dưỡng thân thang” (bài thuốc kinh điển chữa suuyễn thở, ho nhiều đờm ở người già). Thành phần: Hạt tía tô, hạt cải thìa, hạt củ cải - ba thứ liều lượng bằng nhau, tán thành bột thô, trộn đều. Mỗi ngày dùng 9g sắc nước uống; nếu đại tiện táo bón hòa thêm chút mật ong; mùa đông trời lạnh thêm 3 lát gừng cùng sắc uống (Hàn thị y thông).
- Ngộ độc, dị ứng do ăn cua, cá, sò hoặc tiếp xúc với nước lạnh: Lá tía tô giã nát, vắt lấy nước chia ra nhiều phần, cách khoảng nửa giờ uống một lần, mỗi lần một chén con; ngoài dùng bã xát vào những chỗ ngứa; kiêng dầm nước và ra gió.. (Trồng hái và dùng cây thuốc).
Lưu ý bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo!