VẺ ĐẸP VÀ Ý NGHĨA CỦA MỖI LOÀI HOA ĐƯỢC CHỌN LÀM QUỐC HOA TẠI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Đăng bởi Hà Anh

13/11/2020 22:41

Quốc hoa có thể là hoa, là lá, là cây, là quả, là hạt… Miễn sao hình ảnh của nó truyền tải được cái tên quốc gia một cách sâu sắc nhất, chuẩn xác nhất. Là loài biểu trưng cho một nước, được cho là bắt nguồn từ biểu tượng của nhà vua thời Trung cổ ở châu Âu.

Cùng với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc phục thì Quốc hoa chính là biểu trưng cho đất nước, con người của mỗi Quốc gia. Mỗi nước có những quy định về quốc hoa khác nhau, nhưng tựu chung lại loài hoa được chọn đều được nhiều người yêu thích, phân bố rộng rãi trên lãnh thổ quốc gia ấy. Bên cạnh đó quốc hoa cũng hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử phát triển của dân tộc.

Quốc hoa của một nước không chỉ là loài hoa có mặt ở nước đó mà còn mang những đặc trưng cho dân tộc, cho quốc gia và tính cách con người nơi đó. Bởi vậy, việc chọn lựa quốc hoa cũng không hề đơn giản. Bài viết này xin giới thiệu với bạn đọc sự lựa chọn và ý nghĩa của các loài hoa mà Quốc gia đó lựa chọn để làm Quốc hoa.

Anh: Hoa hồng – “Sự lựa chọn hoàn hảo”

Với vẻ đẹp, hình dáng và hương thơm đặc trưng đầy sức lôi cuốn, hoa hồng là loài hoa biểu trưng được lựa chọn nhiều nhất tại các nước phương Tây.

Với ý nghĩa là biểu tượng của cuộc sống, tình yêu, sự tận tụy cũng như sắc đẹp và sự vĩnh hằng, hoa hồng đã chính thức được công nhận là quốc hoa của Mỹ vào ngày 20/11/1986. Giống hồng được lựa chọn là loại hồng đỏ phổ biến nhất hiện nay.

Biểu tượng của nước Anh là hoa hồng Tudor có nguồn gốc từ cuộc Chiến tranh hoa hồng (1455-1485). Đây là cuộc nội chiến xảy ra giữa hai dòng họ Lanchester (với biểu tượng hoa hồng đỏ) và York (với biểu tượng hoa hồng trắng). Chiến tranh kết thúc với chiến thắng của Henry Tudor, người nhà Lanchester. Ông đã sáng lập nên vương triều Tudor cai trị nước Anh và xứ Wales trong 117 năm với quốc huy được lựa chọn là hoa hồng Tudor – biểu tượng hoa được thống nhất từ biểu tượng của hai dòng họ.

Khắp nơi trên đất nước này, đâu đâu cũng thấy hoa hồng. Thật thiếu xót nếu không nhắc đến Bulgaria, "xứ sở của hoa hồng". Hoa hồng trở thành quốc hoa của Bulgaria một cách hoàn toàn tự nhiên như chính sắc đẹp đi vào lòng người của nó.

Ngoài ra, có thể kể tên của nhiều nước khác như Iran với loài hồng Damask, Irag, Maroc, Bồ Đào Nha, Maldives với hồng Polyantha, hồng Canina của Romania.

Ấn Độ: Với Hoa sen – Ý nghĩa từ nguồn cội

Ở Ấn Độ, hoa sen gắn liền với ý nghĩa tôn giáo. Đối với họ, loài hoa này tượng trưng cho sự sinh ra từ bóng tối và bừng nở ngoài ánh sáng. Sen là biểu tượng của năng lực sinh hóa trong Thiên Nhiên, nhờ vào lửa và nước.Hoa sen là một sự thăng hoa về mặt tinh thần.

Ngày nay, chúng ta thấy hoa sen gắn liền với Đức Phật từ bi nhưng thật ra, biểu tượng hoa sen đã có lịch sử gắn liền với Hindu giáo. Đối với người Ấn Độ, hoa sen mang một hàm nghĩa triết học sâu xa và cũng là một biểu tượng mang ý nghĩa đạo đức.

Ấn Độ là một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa gắn liền với hình ảnh hoa sen. Từ thời cổ đại, hoa sen đã là biểu tượng thiêng liêng của người Hindu, có vị trí vô cùng quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của họ. Hình ảnh hoa sen hiện diện rất nhiều trong truyền thuyết, thơ ca, kiến trúc và cuộc sống thường nhật của người Ấn Độ.

Argentina: Vông mồng gà (Ciebo)

Ngày 02/12/1942 Argentia đã công nhận Ceibo hay Seibo Erythrina crista-galli là quốc hoa. Ceibo người Việt nam còn gọi là Cây Vông mồng gà. Hoa này mọc rất nhiều ở Nam Mỹ và có màu đỏ son. 

Brunei: Với hoa Simpor

Quốc hoa của quốc gia nhỏ bé này chính là hoa Simpor, tên khoa học là Dillenia Suffruticosa) có cánh hoa lớn màu vàng tươi và lá rộng.

Khi nở rực rỡ, 5 cánh hoa to rộng lan như một cái ô dù. Loài hoa này thường được tìm thấy dọc theo các con sông ở Brunei, nhiều nhất là sông Temburong và các khu vực đầm lầy hoặc cát trắng.

Hình tượng hoa Simpor xuất hiện trên nhiều mẫu mã thủ công truyền thống của Brunei. Đông tiền 1 dollar của quốc gia này cũng mang hình ảnh bông hoa này.

Bangladesh: Hoa Súng trắng

Trong thực vật học, hoa Súng được xếp vào bộ Nymphaeales, xuất xứ từ chữ "numpho" để chỉ những nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, đây là những nữ thần trẻ trung, xinh đẹp sống ở sông, suối, ao, hồ.​

Barbados: Với Hoa Barbados

Hoa có năm cánh, màu vàng viền đỏ. Hoa này xuất hiện trên Huy hiệu của Barbados

Bhutan: Với hoa Poppy xanh


Poppy xanh – Blue poppy, tên khoa học Meconopsis grandis được chọn làm quốc hoa cho đất nước trên vùng núi cao ngất trời vì vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của nó

Bỉ: Anh túc đỏ - TheRed Poppy

Anh túc đỏ thường gặp là quốc hoa của Bỉ. Hoa này từ lâu đã được sử dụng trong thuốc thảo dược châu Âu, đặc biệt đối với bệnh ở trẻ em và người già; được chế tạo làm thuốc giảm đau và thuốc an thần.

Bulgari: Hoa Hồng

Hoa hồng được mệnh danh là sứ giả của tình yêu nên được tôn là vua của các loài hoa và được nhiều người trên khắp thế giới ưa chuộng

Hoa hồng trở thành quốc hoa của Bulgaria một cách hoàn toàn tự nhiên. Đến Bulgari bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng hoa hồng bát ngát, đất nước này xuất khẩu hoa hồng đến hầu hết các nước trên thế giới. Diện tích, sản lượng hoa hồng và tinh dầu hoa hồng của quốc gia này đứng đầu thế giới. Vì vậy, Bulgaria còn có tên gọi là "Xứ sở hoa hồng". Thật ra, Bulgaria không phải là quê hương của hoa hồng. Nó xuất hiện ở vùng Tiểu Á và được nhập vào Bulgaria từ thế kỷ thứ VII.

Đến nay, hoa hồng là ngành công nghiệp chính tại Bulgari, với hàng nghìn loài khác nhau do các nhà khoa học và nhân dân lai tạo.

Campuchia: Với hoa Rumdul

Hoa rumdul có tên khoa học là Mitrella mesnyi, màu vàng nhạt, thường có 3 cánh hình tròn. Hoa có hương thơm đặc biệt nhất là vào buổi tối.

Trong nhiều thế kỷ người phụ nữ Campuchia thường được ví với loài hoa này. Một cây hoa có chiều cao từ 8 -12 mét có thể được bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước Campuchia và thường được trồng làm cảnh ở địa điểm công cộng.

Chi Lê: Hoa chuông

Hoa chuông Chi lê mọc nhiều trong các khu rừng ở phần nam của Chi lê. Hoa chuông có nhiều màu (đỏ, hồng và trắng) với sáu cánh hoa, quả mọng và được thụ phấn nhờ chim ruồi.

Cu Ba: Với Hoa bướm trắng hay Bạch yến (Mariposa)

Là một loài hoa rất thơm và phổ biến ở Cuba. Nó tượng trưng cho sự tinh khiết, sự nổi loạn và độc lập. Hoa Bướm trắng hay Bch Yến có tên khoa học là Hedychium coronarium, còn được gọi là ngãi tiênbạch diệp, nhài bướm... là loài ưa ẩm, hơi chịu bóng và thích khí hậu mát mẻ, xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Á.

Bạch yến có mùi rất thơm, thơm nhất là vào lúc sáng sớm. Hoa Bạch yến tượng trưng cho sự tinh khiết và luôn ngát hương thơm.

Bạch yến được trồng nhiều nơi trên thế giới với mục đích làm cảnh và lấy tinh dầu thân rễ để làm nước hoa và làm thuốc. Tinh dầu của hoa là một loại hương liệu cao cấp.

Costa Rica: Phong lan Guaria Morada

Đây là một trong những loài phong lan phổ biến nhất ở Costa Rica. Theo truyền thống bản địa thì hoa Guaria Morada được cho là mang lại may mắn.

Colombia: Lan giáng sinh 

Được đặt theo tên nhà tự nhiên học José Jeronimo. Loài hoa này được mô tả là một trong những bông hoa đẹp nhất trên thế giới

Hàn Quốc: Dâm bụt thân gỗ (Mugung)

Loài hoa này đã xuất hiện trong Quốc ca Hàn Quốc. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Hàn đều lấy hoa Mugung làm biểu tượng 
Indonesia: Với hoa Lan Mặt trăng, hoa Nhài và hoa Xác Thối

Hoa lan mặt trăng

Indonesia có đến ba loài hoa được coi là quốc hoa. Hoa lan mặt trăng là một loài hoa phong lan đẹp mọc phổ biến ở Indonesia. Một năm hoa thường nở khoảng 2-3 lần khi đạt đến độ trưởng thành nhất định.

Cây phát triển mạnh mẽ ở nhiệt độ ẩm nên được tìm thấy ở nhiều vùng đất của quốc gia này.

Hoa nhài tượng trưng cho sự cao quý và tinh khiết. Hoa xác thối là loài hoa đặc hữu chỉ có trên đảo Sumatra, nổi tiếng thế giới.

Lào: Với hoa Đại

Hoa đại hay còn gọi là hoa Champa là quốc hoa của Lào đại diện cho sự chân thành và niềm vui trong cuộc sống.

Hoa có nhiều màu nổi bật nhất là đỏ, vàng, hồng, được sử dụng nhiều để trang trí các nghi lễ hoặc làm thành vòng hoa chào đón khách.

Hoa Champa trồng phổ biến trên toàn lãnh thổ Lào, đặc biệt là gần khu vực các tu viện.

Malaysia: Với hoa Dâm Bụt

Từ năm 1960, hoa Dâm Bụt trở thành quốc hoa của Malaysia. Loài hoa 5 cánh có màu đỏ tươi đại diện cho 5 nguyên tắc quốc gia - triết lý quốc gia của Malaysia trong việc tăng cường đoàn kết và hòa giải dân tộc, màu đỏ tượng trưng cho lòng quả cảm.

Myanmar: Với hoa Dáng Hương Mắt Chim

Quốc hoa của Myanmar là hoa dáng hương mắt chim có tên khoa học là Pterocarpus indicus. Loài hoa rất thơm, khi hoa nở thành chùm nhỏ màu vàng sau những trận mưa đầu mùa vào tháng 4.

Người Myanmar quan niệm hoa này là biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và sự lãng mạn. Hoa đóng một vai trò không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống và tôn giáo ở quốc gia này.

Mexico: Hoa Xương rồng – Hoa thược dược (Mexico không có văn bản pháp quy quy định rõ là loài hoa nào. Hai loài hoa dưới đây được người dân yêu mến và đều có những đặc trưng riêng ở đất nước này, nên tác giả để cả hai loại hoa tại đây)

Những rặng xương rồng trải khắp nơi trên đất nước này đã làm nên nét riêng biệt cho Mexico. Xương rồng có khoảng trên 2 ngàn loại khác nhau trong đó hơn một nửa số loài sinh trưởng ở Mexico. Chính những rặng xương rồng trải khắp nơi trên đất nước này đã làm nên nét riêng biệt cho Mexico, với người dân nơi đây xương rồng là biểu trưng của nghị lực và tính cách ngoan cường, bất khuất.

Hoa Thược Dược (danh pháp khoa học: Dahlia, đồng nghĩa: Georgina) thuộc loài thân thảo. Nở hoa về mùa hè và mùa thu, có nguồn gốc ở Mexico và tại đây chúng được chọn là Quốc hoa.

Hoa thược dược là một trong những loài hoa mỏng manh với hương thơm mềm mại, chuyển tải thông điệp của sự dịu dàng và nét thầm kín. Hoa thược dược còn thường được dùng trong phong thuỷ với ý nghĩa là phương pháp hoà giải những vướng mắc trong tình yêu và sự lãng mạn. Đặc biệt đối với hoa thược dược hồng. Thược dược được xếp vào nhóm thuốc bổ huyết, sử dụng chủ yếu để bồi dưỡng cơ thể.

Nga (Russia): Với hoa Hướng Dương

Hoa hướng dương, hiện thân của Người Nga với tâm hồn Nga, tính cách Nga một cách tự nhiên như tên gọi. Hoa Hướng Dương luôn luôn hướng về phía mặt trời, cuối ngày người ta lại thấy hoa hướng về phía Tây, đêm tối buông xuống nó lại tự động quay lại phương Đông để đón bình minh ngày mai.

Người dân Liên Xô trước đây chọn loài hoa Hướng Dương làm quốc hoa của mình bởi một lẽ đơn giản, họ và loài hoa này đều hướng về phía mặt trời, hướng về cội nguồn ánh sáng. Liên bang Xô Viết tan rã, nhưng nước Nga ngày nay vẫn chọn hướng dương là quốc hoa của mình bởi không một loài hoa nào lột tả hết được tính cách Nga, tâm hồn Nga như loài hoa ấy.

Philippines: Với hoa nhài Ảrập

Từ năm 1934, Philippines đã chọn hoa nhài Ả Rập là quốc hoa. Loài hoa này có màu trắng, hoa 5 cánh tỏa ra như hình ngôi sao, hương thơm ngọt ngào và nở quanh năm.

Hoa nở vào ban đêm và chỉ kéo dài trong 1 ngày. Đối với người Philippines, hoa là biểu tượng của sự tinh khiết, đơn giản, khiêm tốn và sức mạnh.

Singapore: Với hoa Lan Ms Joaquim.

Hoa lan mang tên của chính người tạo ra nó, một phụ nữ làm vườn tên Agnes Joaquim. Hoa màu tím, nở quanh năm với vẻ đẹp tuyệt vời. Năm 1981, sau khi chiến thắng hơn 40 đối thủ, hoa Lan Ms Joaquim đã chính thức trở thành quốc hoa của đảo quốc sư tử.

Thái Lan: Với hoa Muồng Hoàng Yến

Hoa muồng hoàng yến có màu vàng rực rỡ tươi mới. Người Thái coi màu vàng của loài hoa này như là màu sắc của Phật giáo và sự vinh quang.

Hoa cũng tượng trưng cho sự đoàn kết và hòa hợp của người Thái. Hoa thường nở từ tháng 2 - tháng 5. Dọc hai bên đường phố ở Thái Lan người ta trồng nhiều hoa muồng hoàng yến.

Việt Nam: Với hoa Sen

Hoa sen là hình ảnh không còn xa lạ với người Việt ta. Người ta thường hay nói: “Trong đầm gì đẹp bằng sen lá xanh bông trắng lại thêm nhụy vàng, nhụy vàng bông trắng lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” Chỉ một câu nói đơn giản thôi đã làm toát lên vẻ đẹp vẻ thanh cao của hoa Sen

Tại một cuộc thăm dò ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam về bình chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu được tổ chức nhân dịp Hội hoa Xuân tại Hà Nội năm 2011, đa số người bình chọn đã chọn hoa sen là quốc hoa. Tuy nhiên, cuộc thăm dò ý kiến này cũng gây nhiều tranh cãi vì chỉ được thăm dò tại Hà Nội. Sau đó, cũng năm 2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch triển lãm hoa sen và lấy ý kiến người dân tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và cũng được người dân chọn hoa Sen với đa số phiếu chọn. Tháng 2 năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét, phê duyệt đề án Quốc hoa Việt Nam, trong đó đề cử hoa Sen là Quốc hoa

Ngoài ra hoa sen còn là biểu tượng cho sự giản dị, tao nhã và thuần khiết, sen là hiện thân cho tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt. Sen còn là món quà vô giá từ thiên nhiên, bởi từ Sen có thể chế biến những thực phẩm bổ dưỡng, những bài thuốc đặc trị. Hoa Sen thơm, có hương lại có sắc. Dù trong hoàn cảnh nào sen cũng hàm chứa trong nó sự tinh tế, thuần khiết, cao đẹp. Nó thật sự là biểu trưng tiêu biểu nhất cho văn hoá và cốt cách nhân văn của người Việt Nam.

Hình tượng hoa sen có vai trò rất quan trong trong các công trình kiến trúc, điêu khắc và tác phẩm văn học nghệ thuật trải dài trong nhiều thế kỷ của người Việt. Hoa sen cũng xuất hiện nhiều trong các bài hát dân gian, thơ ca Việt Nam.

Hà Lan: Hoa tulip – Đơn giản là sự đam mê

Nhắc đến hoa tulip là người ta nghĩ ngay đến Hà Lan như là một nét đặc trưng văn hóa của đất nước này. Đây không phải là một loài hoa bản địa mà có nguồn gốc từ các quốc gia Hồi Giáo vùng Turkestans, Ba Tư. Nguồn gốc của tên gọi từ chữ “Turban”- một loại khăn quấn đầu của đàn ông Hồi Giáo và được dịch sang tiếng La Tinh là “Tulipa”.

Khoảng giữa thế kỉ 16, hoa tulip được đưa từ đế quốc Ottoman, Thổ Nhỹ Kì vào Châu Âu và rất được ưa chuộng tại nhiều nước, đặc biệt là Hà Lan.

Đã có thời, người ta tranh nhau đổ xô đi mua loại hoa này, đẩy mức giá của nó “lên cao ngất ngưởng”, sự kiện này đã được lịch sử ghi nhận là “cơn sốt hoa tulip” diễn ra tại Hà Lan vào năm 1636-1637.

Hồng Kông: Dương tử kinh

Là loài cây thân gỗ, thuộc chi Ban, với các lá to và dày cùng các hoa đỏ ánh tía nổi bật. Trên Quốc kì của Hồng Kông có hình ảnh cách điệu của hoa này

Romani: Hoa hồng dại

Là một loài cây bụi, rụng lá hàng năm, phát triển nhanh và thích ứng tốt nên được trồng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhật Bản: Hoa anh đào – Thắm đượm tinh thần dân tộc

Xuất hiện ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và cả châu Mỹ nhưng hoa anh đào dường như đã gắn liền với đất nước Nhật Bản.

Đặc điểm của loài hoa này là thường rơi khi còn đang độ tươi thắm nên nó gắn liền với tinh thần võ sĩ đạo samurai, biết chết một cách cao đẹp. Nó là biểu trưng cho sắc đẹp, sự thanh cao, trong trắng nhưng cũng đượm chút nỗi buồn vì sự ngắn ngủi, phù dung của một “kiếp hoa”.

Pháp: Hoa Iris (Hoa Diên Vĩ)– Biểu tượng của hoàng gia

Quốc hoa được Pháp lựa chọn là hoa Iris với hình ảnh hoa đã được cách điệu có tên là “fleur-de-lis”. Nó chính thức là biểu trưng cho nước Pháp từ thế kỉ 13. Loài hoa này từ xưa đã được coi là biểu tượng của Đức mẹ đồng trinh Mary nên nó được coi là biểu tượng của thần linh. Dưới thời vua Louis IX, ba cánh của hoa được xem là tượng trưng của sự trung thành, uyên bác và niềm hi vọng. Hình ảnh của nó được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm hội họa hay trong nghệ thuật kiến trúc.

Hoa Keo vàng hay hoa Mimosa (Golden Wattle) – Quốc hoa của Úc

Golden Wattle có hương thơm nồng, màu vàng rực rỡ. Màu vàng của hoa và màu xanh của lá cây này đã trở thành màu sắc của đồng phục thể thao quốc gia.

Phần Lan: Hoa lan chuông ( Lili of valley)

Ireland: Cây chua me đất (Shamrock)

Canada: Lá phong (Maple leaf) – biểu tượng của Canada.

Hình ảnh lá phong còn xuất hiện trên quốc kỳ của Canada  

King Protea – Quốc hoa của Nam Phi

Nam Phi là một trong 17 quốc gia trên thế giới được coi là rất đa dạng sinh thái. Do những ảnh hưởng của địa hình và hải dương nên Nam Phi có nhiều khu vực khí hậu và hình thành nhiều vùng thực vật phong phú nhất trên thế giới. Đa số các loài cây là cây lá cứng xanh tốt với lá dạng kim nhỏ. Một loại cây độc hữu của Nam Phi là giống hoa Protea với khoảng 130 loài. Tại Nam Phi, hoa King Protea cứng cỏi, mạnh mẽ với kích thước hoa có thể cao đến 30cm được chọn làm Quốc hoa. Hoa còn có tên gọi khác là Giant Protea. Nó có sức sống rất mãnh liệt và khả năng hồi sinh mạnh mẽ

Hoa King Protea chứa một lượng lớn mật ngọt thu hút ong bướm và chim chóc nên có tên khác nữa là Honeypot (Bình mật) hoặc King Sugar Bush (Đường thảo Hoàng đế). Loài cây này phân bố rộng rãi ở phía Tây Nam và một phần phía Nam của Nam Phi.

Hoa có nhiều màu từ trắng, kem, hồng nhạt cam đỏ đến đỏ tươi. Cây Protea là một loài cây bụi rậm rạp, hấp thụ nước mưa thông qua lá và rễ cây. King Protea nở vào mùa hè, thường nở rất nhiều hoa cùng một lần, được trồng và dùng để kết thành lẵng, thành bó để trang trí.

Sri-lan-ka: Hoa súng xanh

Hoa súng xanh có hương thơm ngọt ngào, được dùng ở đền chùa Phật giáo và là biểu tượng của sự tinh khiết, chân lý.

Myanmar: Hoa padauk (Pterocarpus indicus)

Loài hoa thơm mọc thành chùm nhỏ màu vàng. Theo quan niệm của người Myanmar, loài hoa này là biểu tượng của tuổi trẻ, tình yêu và sự lãng mạn. Hoa padauk đóng một vai trò không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống và tôn giáo ở xứ sở Chùa Vàng.

Nepal: Hoa Đỗ quyên

Hoa này được tìm thấy ở những vùng đồi núi ở độ cao trên 1200m, ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5 với nhiều màu rực rỡ. Theo quan niệm của người dân của quốc gia này, hoa Đỗ Quyên mang ý nghĩa dịu dàng, ôn hòa và nữ tính.

Maldives: Hoa hồng (Pink rose)

Là một thành viên của họ hoa hồng và dễ dàng được trồng ở đất Maldives

Trung Quốc: Hoa Mẫu Đơn

Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung Quốc. Ngày nay, loài hoa này xuất hiện rất nhiều trên các sản phẩm như tranh thêu, gốm sứ, hay các công trình văn hóa của Trung Quốc. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại của Trung Quốc

Triều Tiên: Mộc lan (Siebolds Magnolia)

Mộc lan có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á và nở trong suốt mùa xuân, hương thơm dịu.

Israel: Tiên khách lai (Cyclamen persicum)

Hoa có nguồn gốc ở khu vực Địa Trung Hải, thường mọc trong các cánh rừng khô hay trong các bụi rậm

Quốc đảo Grenada Hoa Giấy (Bougainvillea)


Thổ Nhĩ Kỳ: Uất kim hương (Tulip)

Theo người dân Thổ Nhĩ Kỳ thì Uất kim hương tượng trưng cho sự sống và sự phì nhiêu, màu mỡ. Người ta tin rằng Uất kim hương sẽ bảo vệ những ai gieo trồng chúng vì loài hoa này là dành riêng cho những thiên thần bé nhỏ và các bà tiên

Ireland: Cỏ ba lá

Đối với Ireland, đó là cỏ ba lá. Truyền thuyết kể lại rằng vị thánh bảo trợ của Ireland là thánh Patrick đã sử dụng một nhành cỏ ba lá để giải thích về Chúa ba ngôi – sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần trong một bài thuyết giảng của mình. Về sau, các học trò của thánh Patrick thường cài một nhành cỏ ba lá lên tóc vào ngày vinh danh thánh.

Scotland: Cây kế

Loài hoa biểu trưng cho Scotland là cây Kế, một loại cây dại, lá có gai, hoa màu tía. Theo truyền thuyết, một thời quân đội Nauy đưa quân sang toan chiếm lấy Scotland. Họ tấn công Scotland vào ban đêm và tất cả quân đội đều được lệnh phải đi chân đất để không gây ra tiếng động. Đáng tiếc cho quân Nauy, họ đã dẫm phải những cây kế dại và bắt đầu kêu la ầm ĩ vì đau đớn khiến quân lính Scotland tỉnh giấc. Từ đó, cây kế được chọn là biểu trưng cho Scotland, những chiếc gai nhọn của nó tượng trưng cho sức mạnh của người dân vùng núi xứ này.​

Quần đảo Bahamas: The yellow elder


The yellow elder được lựa chọn là quốc hoa vì nó có nguồn gốc từ Bahamas và nở hoa quanh năm

Hungary: Uất kim hương (Tulip)

Tulip màu đỏ được trồng phổ biến và là một phần của văn hóa dân gian Hungary. Họa tiết Tulip xuất hiện trong nhiều đồ thủ công mỹ nghệ Hungary

Jamaica: Hoa Lignum Vitea

Lignum Vitea đã được tìm thấy ở Jamaica bởi C. Columbus. Tên của hoa này có nghĩa là “gỗ của cuộc sống”

Hà Anh
Nguồn Sưu tầm - Tổng hợp
Bạn đang đọc bài viết "VẺ ĐẸP VÀ Ý NGHĨA CỦA MỖI LOÀI HOA ĐƯỢC CHỌN LÀM QUỐC HOA TẠI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI" tại chuyên mục Các loài hoa. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.