Từ các bài viết gửi đến dự thi, trong 10 tháng diễn ra cuộc thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn, thẩm định, biên tập 78 bài/loạt bài để đăng trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới. Nhìn chung, các tác phẩm dự thi được đăng báo có chất lượng khá, phản ánh đa dạng các lĩnh vực văn hóa, di sản, kiến trúc, nghệ thuật dân gian, đời sống xã hội… trong chiều dài nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội; truyền thống tốt đẹp, nếp sống thanh lịch của người Tràng An; những thành tựu nổi bật của Thành phố trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Một số tác phẩm khá nổi trội, thí dụ như “Hà Nội của tôi” (tác giả Văn Chinh) gây xúc động bởi tính chân thực của một người ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố, chứng kiến sự phát triển của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực dưới một góc nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, từ đó bày tỏ một thái độ và suy luận nghiêm túc... Hay như “Khi làng lên phố” (tác giả Nguyễn Văn Học) pha trộn giữa ghi chép và ký đã làm bật lên cái còn, cái mất trong cơn lốc đô thị hóa các làng ven đô cùng những nỗ lực, cố gắng để giữ gìn văn hóa truyền thống, thể hiện khá rõ quan điểm của người viết. Có tác phẩm đọc xong để lại cảm giác bùi ngùi như bài “Như một phần máu thịt của Thủ đô” (Uông Thái Biểu) viết về những người con Hà Nội ngày đầu đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng cực kỳ gian nan vất vả, nay đã trở thành công dân của tỉnh Lâm Đồng nhưng vẫn được “mẹ Hà Nội” quan tâm, giúp đỡ. Có bài viết khá công phu như “Những dòng sông ngàn năm văn hiến” (Bằng Giang), đây là một đề tài hay vì Hà Nội là thành phố sông hồ, và bản thân chữ Hà Nội có nghĩa là “trong sông”; bài viết ôn lại lịch sử chống ngoại xâm trên các dòng sông của Thăng Long - Hà Nội đồng thời cũng nêu bật giá trị văn hóa sông nước riêng có của vùng đất này… Có những bài viết công phu vì tác giả ngoài sự hiểu biết còn có sự suy nghiệm quá trình vận động của lịch sử, ví dụ như “Tiếng Thủ đô” (Trần Chiến), “Vượng khí ngàn năm” (Giang Nam)…
Trao phần thưởng cho hai tác giả đạt giải nhì
Tuy nhiên, do chủ đề, thể loại cuộc thi mang tính đặc thù, đòi hỏi muốn có tác phẩm hay người viết phải có chiều sâu kiến thức về Thăng Long - Hà Nội, đồng thời phải đi vào thực tế đời sống, phản ánh hơi thở cuộc sống, phát hiện nhân tố mới và thể hiện được “cái tôi trần thuật”… Bên cạnh dó, do thời gian diễn ra cuộc thi tương đối ngắn, đặc biệt là trùng thời điểm dịch Covid-19 nên đã hạn chế đến việc tác nghiệp của các tác giả. Có khá nhiều bài chưa đáp ứng thể lệ cuộc thi do người viết chưa nắm rõ chủ đề, thể loại; nhiều bài viết nặng tính khảo cứu tư liệu lịch sử mà ít thấy, thậm chí vắng bóng hiện thực cuộc sống. Có khá nhiều bài viết về làng nghề truyền thống nhưng thiếu thông tin sinh động, hấp dẫn về đời sống hôm nay. Đặc biệt là không có tác phẩm thực sự nổi trội, xuất sắc.
Căn cứ kết quả chấm thi, Hội đồng Giám khảo đề xuất và Ban Tổ chức đã quyết định trao giải Khuyến khích cho 12 tác phẩm, trao giải Ba cho 3 tác phẩm và trao giải Nhì cho 2 tác phẩm. Và rất đáng tiếc là không có tác phẩm lọt vào khung điểm trao giải Nhất.
Nhân dịp này Báo Hànộimới đã đã biên soạn, xuất bản cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội: Vượng khí ngàn năm”. Cuốn sách dày 336 trang, trong đó có nhiều trang in ảnh màu, tập hợp 66 bài viết (một con số rất có ý nghĩa, tương ứng với 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô) tuyển chọn từ các bài dự thi xuất sắc và bổ sung một số bài ký, ghi chép chất lượng về chủ đề Thăng Long - Hà Nội đăng trên các ấn phẩm của Hànộimới thời gian gần đây. Báo Hànộimới sẽ bàn giao 1.000 cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội: Vượng khí ngàn năm” chuyển Ban Tuyên giáo Thành ủy; 1.000 cuốn sách kính chuyển Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội để đưa về thư viện các trường học trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và các em học sinh, về truyền thống văn hiến, anh hùng của Thủ đô nghìn năm tuổi cũng như những thành tựu phát triển của thành phố trong thời gian qua.