Nhiếp ảnh nghệ thuật đang chuyển mình

Đăng bởi Thái Bình

20/10/2020 22:42

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020 đang diễn ra tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là cuộc tập hợp lực lượng sáng tác nhiếp ảnh cả nước, nhằm giới thiệu với công chúng những câu chuyện về cuộc sống qua ảnh, đồng thời đánh giá thành quả lao động sáng tạo của giới nghề trong hai năm 2019-2020. Qua đó cho thấy, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ.

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2020 thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Thụy Du

 

Lát cắt nghệ thuật về cuộc sống

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức luôn là một sân chơi hấp dẫn với người cầm máy. Năm nay, bên cạnh dòng chủ lưu là ảnh hiện thực, Ban tổ chức đưa thêm thể loại ảnh ý tưởng, nhằm mở rộng biên độ sáng tác của nghệ sĩ và đem đến nhiều câu chuyện ấn tượng hơn cho công chúng.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, con số 12.480 tác phẩm ảnh của 1.516 tác giả trên cả nước tham dự sân chơi này cho thấy sự lớn mạnh của lực lượng sáng tác và sức lan tỏa xã hội của nghệ thuật nhiếp ảnh. Các nghệ sĩ đã dấn thân mạnh mẽ, đem lại những lát cắt nghệ thuật chân thực, sâu sắc và sinh động về cuộc sống đương đại.

Còn theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thể loại ảnh hiện thực với 11.782 tác phẩm tham dự, đã thể hiện sự chuyển động và sáng tạo của nghệ sĩ về các vấn đề quan trọng của đất nước như: Phòng, chống dịch Covid-19; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gìn giữ nét đẹp truyền thống… Rất nhiều người ghi lại hình ảnh về cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta, như dấu ấn của tác giả Nông Việt Linh trong bộ ảnh “Nhiệm vụ HVN68” về chuyến bay đặc biệt mang hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam đến tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) và đưa 30 công dân Việt Nam trở về. Để tạo ra một góc nhìn mới về sự phát triển của đất nước trong tác phẩm “Không ngừng vươn lên”, tác giả Huỳnh Phạm Anh Dũng cho hay, ông đã tìm kiếm rất lâu và dành 3 ngày chỉ để chụp một góc duy nhất về những công trình đang xây dựng…

Do lần đầu mở thêm thể loại ảnh ý tưởng, nên số lượng tác phẩm tham gia khá khiêm tốn, với 670 ảnh đơn và 28 bộ ảnh. Nhiều tác phẩm có tư duy sâu và thể nghiệm kỹ thuật mới với vấn đề xã hội quan tâm, như “Ở nhà tránh dịch” (Lê Tuệ) về sự góp sức của từng người để chống dịch, “Thảm họa môi trường” (Nguyễn Văn Dũng) về rác thải nhựa, “Nỗi đau bên trong cổ” (Nguyễn Ngọc Hòa) về tác hại của thuốc lá… Song vẫn còn những bức ảnh khá đơn giản, chắp ghép vụng về để cố tạo nên những ý tưởng thoạt nhìn có vẻ kỳ bí, song thiếu chiều sâu, chưa đi đến tận cùng vấn đề…

Tham quan triển lãm 238 tác phẩm chọn lọc từ cuộc thi, anh Nguyễn Công Định (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Ở đây tôi thấy cuộc sống với nhiều góc nhìn lạ, giàu thẩm mỹ và ý nghĩa, khác với ảnh thời sự hay ảnh trên mạng internet…”.

Rộng mở những sáng tạo

Nhiếp ảnh của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và cuốn hút sự tham gia của nhiều đối tượng, thành phần. Tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn, phóng viên ảnh Báo điện tử Dân trí, lần đầu tiên tham gia cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam đã giành 1 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng cho rằng, các sân chơi ảnh nghệ thuật nhiều năm qua thường tôn vinh những tác phẩm ảnh hoa mỹ, ít tính thời sự khiến chúng thiếu sự phong phú, sinh động. Trong khi, một tác phẩm dù ở thể loại nào chỉ cần hội tụ các yếu tố về kỹ thuật, thẩm mỹ, nội dung đều được coi là ảnh nghệ thuật. Việc mở rộng thể loại, hình thức sáng tác ảnh như cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần này sẽ thúc đẩy nhiếp ảnh Việt Nam phát triển và bừng nở.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong, thành viên Hội đồng nghệ thuật khẳng định, giá trị của khoảnh khắc trong tác phẩm ảnh hiện thực là yếu tố quan trọng và được đánh giá cao. Muốn tiến tới chuyên nghiệp, người cầm máy phải đặt vào đó tư duy và kỹ năng chớp thời cơ, tránh sự dàn dựng giả tạo khi bấm máy và “làm đẹp” ở hậu kỳ, khiến hiện thực bị sai lệch.

Ở thể loại ảnh ý tưởng, tác giả Lê Tuệ nhận định, đây là công việc sáng tạo giao thoa giữa nhiếp ảnh và mỹ thuật. Muốn có một bức ảnh tốt, tác giả phải xây dựng ý tưởng, phác thảo rồi tiến hành chụp ảnh và sử dụng công nghệ để hoàn thiện tác phẩm. Đồng quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, ảnh ý tưởng là xu hướng đang thịnh hành trên thế giới, bởi có thể tạo nên những bức ảnh mang câu chuyện phi thường về cuộc sống. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp sẽ quan tâm, tạo nhiều sân chơi cho nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Sự rộng mở cho những sáng tạo từ các sân chơi nhiếp ảnh chuyên nghiệp như vậy, sẽ kích thích nghệ sĩ hành động, đưa nhiếp ảnh Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ và tiến xa hơn nữa.

Thái Bình
Bạn đang đọc bài viết "Nhiếp ảnh nghệ thuật đang chuyển mình" tại chuyên mục Văn hóa - Thể Thao. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.