Những đứa trẻ yêu sách
Ở một hội nghị về văn hoá đọc vào cuối tháng 9 tại Hải Phòng, khi kể xong câu chuyện “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Lê Thanh Ngân, học sinh lớp 7A4 Trường THCS Ngô Gia Tự (Hồng Bàng, Hải Phòng) đã òa khóc. “Mỗi lần đọc hết chuyện, em cảm thấy buồn vì Việt Nam đã mất đi một người Chủ tịch vĩ đại, cao thượng mà rất giản dị”, Thanh Ngân chia sẻ.
Vào những dịp lễ tết, nghỉ hè, món quà mà Ngân nhận được từ mẹ là thường những cuốn sách, quyển truyện, trong đó, em ấn tượng nhất với truyện ngắn "Mẹ tôi" trong tiểu thuyết "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Edmondo De Amicis. Lá thư người bố viết cho con trong truyện ngắn này đã dạy em biết yêu thương, tôn trọng bố mẹ nhiều hơn.
Tại Trường THCS Hồng Bàng, TP Hải Phòng, vào giờ ra chơi, thay vì chạy nhảy, nô đùa, nhiều học sinh đã nhanh chóng ùa ra tủ sách cuối lớp học để tìm cho mình những cuốn sách, quyển truyện ưng ý. Sau những buổi học, tủ sách trở nên lộn xộn nhưng có lẽ, đây chính là niềm vui mỗi ngày của thầy giáo, cô giáo nơi đây, bởi điều này chứng tỏ học sinh hứng thú với sách.
Dừng chân tại Trường THPT Ngô Quyền, ngôi trường trung học đầu tiên của Hải Phòng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng về những lớp học danh nhân. Theo lời giới thiệu của nhóm học sinh lớp 12, qua quá trình đọc sách, tìm kiếm thông tin ở thư viện, internet cũng như phục chế ảnh để thiết kế, xây dựng lớp học danh nhân, các em vừa tích luỹ được thêm kiến thức, lại vừa cảm thấy yêu mến, tự hào về ngôi trường mình đang theo học. Nhờ tự đọc sách, tự tìm tòi với sự khích lệ, hỗ trợ của giáo viên, những cô cậu học trò nơi đây đã hình thành lên những lớp học danh nhân có tên như lớp học danh nhân Nguyễn Văn Linh, Văn Cao, Hoàng Ngọc Phách,...
Cách TP Hải Phòng hơn 250km, Vàng Duy Khánh, lớp 7A, Trường THCS và THPT Púng Luông, Mù Cang Chải nâng niu cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” do học sinh Hải Phòng gửi tặng. Thư cảm ơn của Khánh bày tỏ: "Chúng em còn nghèo, trước nay chưa dám nghĩ đến mua sách để đọc. Em sẽ tranh thủ giờ ra chơi trên lớp học, giờ nghỉ mỗi khi ra đồng cùng mẹ, để đọc dần những cuốn sách này".
Niềm yêu mến và tinh thần ham đọc sách của những đứa trẻ này đã đem lại hân hoan, hạnh phúc cho người làm giáo dục tại địa phương, đặc biệt là những sáng lập viên của dự án “Bước chân của sách”, trong đó “Thư viện 50K” là một mô hình điển hình.
“Thư viện 50K” được đặt trong mỗi lớp học.
Những cách làm hay
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng, Hải Phòng, cho biết, qua một năm xây dựng và phát triển văn hóa đọc, đến nay, 100% trường học trên địa bàn quận đã tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực nhằm phát triển các phong trào đọc sách trong trường học. Trong đó, vận động các cá nhân, tập thể đầu tư thiết bị, tủ sách; phụ huynh học sinh tham gia xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh.
Kết quả, phụ huynh học sinh các trường tiểu học, THCS trong quận góp được hơn 11.600 quyển sách; bốn đơn vị doanh nghiệp tặng 1.260 quyển sách và nhiều đơn vị tặng giá sách cho các trường. Không chỉ đọc sách, trao đổi sách trong các khối lớp, nhiều trường học trong quận Hồng Bàng đã tặng những cuốn sách hay, ý nghĩa cho học sinh các trường ở các quận, huyện khác trong thành phố.
Không chỉ tặng sách giữa các quận, huyện trong địa bàn thành phố, “Bước chân của sách” đã kết nối Hải Phòng với Yên Bái. Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái, thành viên Ban tổ chức dự án “Bước chân của sách” tại Yên Bái cho biết, dự án là sự hợp tác vô điều kiện của hai Sở Giáo dục và Đào tạo, là sản phẩm tâm huyết của các nhà giáo ở hai địa phương, để văn hoá đọc thực sự góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trí tuệ của trẻ. Hiện nay, nhiều trường ở Yên Bái tuy chưa tham gia dự án nhưng đã chủ động xây dựng “Thư viện 50K” tại lớp học vì tính tiện ích, thiết thực, dễ làm.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Lê Quốc Tiến, văn hóa tủ sách học đường đã được triển khai từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tiễn, số lượng học sinh vào đọc sách tại các thư viện trong nhà trường còn hạn chế, một phần do thời khóa biểu chưa phù hợp, một phần do số lượng sách chưa đa dạng, phù hợp với các độ tuổi.
“Mạng xã hội cũng là một con đường, nếu học sinh thiếu kỹ năng sẽ có thể đi lạc. Vì vậy, việc xây dựng văn hoá đọc cho học sinh tại từng lớp học sẽ góp phần tạo thói quen đọc sách lành mạnh và tri thức hữu ích”, ông Lê Quốc Tiến nhấn mạnh.
Từ quan điểm đó và thực tiễn nghiên cứu, học hỏi nhiều địa phương, ngành giáo dục Hải Phòng đã bắt đầu xây dựng “Thư viện 50K” thuộc dự án “Bước chân của sách”.
Được đặt ngay ngắn, trang trọng và hoàn toàn mở trong mỗi lớp học “Thư viện 50K” thường xuyên có nhiều lượt đọc mỗi ngày, vào giờ giải lao, trước và sau mỗi buổi học hoặc có thể mượn về nhà. Mỗi phụ huynh được khuyến khích đóng góp một cuốn sách phù hợp với sở thích và lứa tuổi của các con. Nhờ đó, số sách trong tủ sách của lớp và trường học ngày càng tăng lên.
Sáng lập “Bước chân của sách” từ những tháng cuối năm 2019, ông Lê Quốc Tiến cho biết, đến nay, dự án đã huy động được một triệu cuốn sách cho “Thư viện 50K” tại nhiều lớp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, đồng thời kết nghĩa và trao tặng ngành giáo dục Yên Bái để “Bước chân của sách” luôn vận động, luân chuyển, đến với hàng ngàn học sinh tỉnh bạn. Toàn bộ những cuốn sách này do phụ huynh và các nhà tài trợ đóng góp, gửi tặng.
Năm học 2020-2021, Hải Phòng sẽ tuyển chọn 200 cán bộ làm công tác “giữ lửa” cho “Bước chân của sách” và “Thư viện 50K”, kỳ vọng phát triển tới ba nghìn người sau 5 năm.
Những cán bộ, giáo viên tâm huyết, yêu sách sẽ được bồi dưỡng hỗ trợ các kỹ năng trong quản lý các tủ sách và phương pháp “giữ lửa”. Không chỉ dừng lại ở tủ sách của học sinh, Hải Phòng sẽ mở rộng tủ sách của phụ huynh, tủ sách của giáo viên.
“Chúng ta nói nhiều về trường học hạnh phúc. Trong đó, phẩm chất, kỹ năng của giáo viên cần trau dồi, bồi đắp từ những tủ sách”, ông Tiến bày tỏ.