Đôi vợ chồng giữa lòng Thủ đô ngót nghét nửa thập kỷ thổi hồn vào mặt nạ giấy

Đăng bởi Hoàng Lan

21/09/2020 23:56

Trước sự cạnh tranh ngày càng lớn từ thị trường đồ chơi hiện đại, nghề làm mặt nạ giấy bồi dần mai một, nhiều nghệ nhân phải bỏ nghề vì khó khăn đầu ra, sản phẩm kén khách.

Nằm cuối con ngõ sâu hun hút chỉ vừa một người đi, cheo leo trên gác 3 của căn nhà nhỏ tại phố Hàng Than (Hà Nội), tưởng chừng địa chỉ khó tìm nhưng người dân xung quanh, không ai còn lạ gì, nhiệt tình chỉ đường mỗi khi có người hỏi thăm mua mặt nạ giấy bồi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoà (67 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (62 tuổi).

Hơn 40 năm làm nghề, trên hành lang căn gác rộng chừng 3m2, mỗi mùa trung thu, ông Hoà và Lan thêm phần tất bật với những chiếc mặt nạ giấy bồi. Ngồi cong lưng, bo gối giữa hàng trăm chiếc mặt nạ chờ hoàn thiện, bà Hương Lan cầm chổi vẽ tỉ mỉ hoạ từng chi tiết, chậm rãi kể lại chuyện nghề ngót nghét đã gần nửa thế kỷ và tự hào cho biết, tại Hà Nội, vợ chồng bà là hộ gia đình duy nhất còn theo nghề.

Mặt nạ giấy bồi hoàn chỉnh có giá từ 30.000 đồng/ chiếc, cao nhất là 100.000 đồng/ chiếc loại to trùm đầu

“Ngày trước, Hà Nội còn tất cả 4 gia đình làm mặt nạ giấy bồi, gồm nhà tôi và một số nhà ở phố Bạch Mai. Tới giờ, chỉ còn mình vợ chồng tôi làm, không giao buôn, bán sỉ, chỉ bán cố định tại điểm quen trên phố Hàng Lược mỗi dịp trung thu”, bà Lan kể.

Giới thiệu quy trình hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi, bà Lan chỉ vào khuôn xi măng ở góc hành lang, nơi ông Hoà đang bồi từng lớp giấy. Đây chính là bước đầu để làm ra chiếc mặt nạ thô, với khoảng 30 cái khuôn đủ hình thù do chính tay ông Hoà đúc, được sử dụng xuyên suốt 40 năm qua. 

“Cứ lớp giấy rồi lại lớp bìa, hồ dán dùng bột sắn quấy cùng nước lã, nguyên liệu tất cả đều dễ kiếm, thân thiện với môi trường, nhưng làm sao cho mặt nạ không bị nhăn, có hồn thì đấy là bí quyết gia truyền”, ông Hoà nói.

Sau khi bồi xong, mặt nạ được hong khô ngay trên hiên nhà, đến lúc bề mặt ráo vừa độ thì chuyển sang khâu trang trí. Với khoảng chục cây cọ và vài màu sơn cơ bản, bà Lan “thổi hồn” vào từng chiếc mặt nạ. Bà Lan giới thiệu: “Mặt nạ có 2 dòng chính là mặt người và mặt thú, gồm các nhân vật như Chí Phèo, chú Tễu, siêu nhân, thỏ, hổ, sư tử, …”

 Mặt nạ giấy bồi (Nguồn ảnh Internet)

Đều đã ở tuổi đến độ nghỉ ngơi, nhưng ông Hoà và bà Lan khẳng định, còn có sức khoẻ thì sẽ vẫn bám trụ với nghề, không đành để nó thất truyền theo thời gian. Hai người con của ông bà đã có gia đình riêng, công việc ổn định và không ai theo nghề truyền thống. Cũng sợ rằng nghề sẽ bị mai một, nhưng ông bà cho biết là không tuyển thợ phụ và cũng chưa truyền nghề cho ai vì làm thủ công thời hiện đại rất khó.

“Chúng tôi luôn muốn giữ chất lượng cho từng chiếc mặt nạ làm ra, vì thế không tuyển thợ phụ và bán sỉ. Bao nhiêu tay làm thì cho ra từng ấy phong cách, không còn giữ được cái chất của mình. Còn bán sỉ, người ta bán thế nào mình không theo dõi được, nếu bị trộn hàng khác, khách mua phải sẽ không còn tin tưởng nhà mình”, bà Lan giãi bày.

Hoàng Lan
Bạn đang đọc bài viết "Đôi vợ chồng giữa lòng Thủ đô ngót nghét nửa thập kỷ thổi hồn vào mặt nạ giấy" tại chuyên mục Truyền thống. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.