Chớ nên nóng vội, hơn thua!

Đăng bởi Nguyễn Sơn

24/09/2020 22:05

Nhiều người không hài lòng khi chưa có được một căn nhà hoành tráng hơn, một chiếc xe xịn hơn bạn bè, thành tích học tập của con cái chưa bằng chị bằng em. Suy cho cùng, cái tư duy ganh đua tiêu cực ấy chỉ làm căng thẳng, làm khổ chính ai đang sở hữu nó.

Ảnh minh họa: Internet

Hơn một lần tôi đã viết về những tiếng còi xe đầy tính thúc bách ở các giao lộ có tín hiệu đèn giao thông. Một số người ở phía sau thường inh ỏi nhấn còi như giục người trước chạy đi trong khi đèn xanh chưa hiển thị.

Phân tích, soi kỹ một chút thì thấy, lạ một điều là, gần như những người có các biểu hiện vội vàng ấy thường không hề bị áp lực nào đó về thời gian để mà phải tất bật, bất chấp quy ước như thế. Một tâm lý tranh giành, hơn thua là có thật. Dù đang trên đường đến một quán cà phê, đến nơi hẹn không quan trọng, thậm chí chỉ đi lòng vòng hóng mát nhưng họ cũng nôn nóng và vội vàng, chen nhau hơn thua chỉ nửa vòng bánh xe hòng chạy trước người ta chỉ một vài giây.

Một lần, khi dòng người đang xếp hàng làm thủ tục ở Cảng Hàng không Pleiku, một ông đứng tuổi, ăn mặc lịch sự xin đứng vào trước hàng với lý do có việc vội cần đi ngay. Không thể nhịn cười, tôi bảo với ông ta rằng, tất cả mọi người trong hàng này đều bay cùng chuyến, ông làm thủ tục xong trước thì có bay trước được không? Tại các quầy tính tiền ở siêu thị, cửa hàng hoặc những nơi bắt buộc phải lấy số thứ tự cũng xảy ra không ít cách luồn lách, kể khổ, năn nỉ đổi số sớm hơn, dù lượng người chờ đợi chẳng đông.

Lại nhớ chuyện cục đá, viên gạch, cái chai, chiếc dép... được dùng để “xí chỗ” trong lúc rồng rắn xếp hàng chờ mua hàng hóa thời bao cấp. Người được mấy vật ấy “đại diện” có thể lẩn quất đâu đó làm việc khác; có trường hợp tranh chấp, đánh nhau vỡ đầu sứt trán vì viên gạch, cái chai bị xê dịch ngoài ý muốn. Đã vài chục năm rồi, chuyện xếp hàng tưởng đã thành nếp, nhưng hóa ra, người ta vẫn cứ phải len lỏi để được việc của mình trước người khác.

Một lần, tôi đi công tác đến Viêng Chăn (Lào), khi đang uống cà phê vỉa hè với ông bạn người bản xứ nói tiếng Việt lưu loát thì chứng kiến một chiếc xe sang bấm còi inh ỏi để vượt hàng loạt bạn đồng hành với tốc độ chắc chắn vi phạm giới hạn tốc độ trong nội thành. Ông bạn Lào lắc đầu: “Người Việt đấy anh!”. Tôi thắc mắc sao lại khẳng định như thế thì anh lắc đầu thêm lần nữa: “Chỉ có người Việt mới chạy xe kiểu ấy!”. Tôi đã rất chạnh lòng. 

Tâm lý nóng vội vô cớ đó chẳng chừa một ai. Có một chuyện xảy ra trong một cửa hàng ở Mỹ mà đến bây giờ sực nhớ lại tôi vẫn đỏ mặt. Số là, sau khi mua được vài thứ, tôi đi thanh toán. Tại khoảng gần chục quầy thu ngân, mỗi quầy chỉ có đúng 1 khách hàng đứng thanh toán. Nhanh nhảu đoảng, tôi mau mắn đứng xếp sau 1 khách hàng nọ. Cô nhân viên liền nhắc tôi xếp vào hàng theo hướng cô ta chỉ. Thì ra, người ta nghiêm túc sắp hàng cách đó... vài mét! 

Đứng vào cuối hàng gần nhất, tôi biết cái mặt mình đang ê ra vì xấu hổ. Có lẽ họ tế nhị đến độ chuyện trả bao nhiêu tiền khi shopping là chuyện riêng tư nên dành luôn cho mỗi khách hàng một không gian như thế chăng!

Sau này, tôi nhận ra một nghịch lý rằng: Những người biết tôn trọng và quý thời gian lại là những người luôn tôn trọng các quy ước cộng đồng, càng gấp gáp họ càng bình tĩnh. 

Một biểu hiện biến tướng của tâm lý nóng vội, hơn thua trong cuộc sống là luôn muốn hơn người khác trong mọi lĩnh vực dù không hề có nhu cầu thực sự. Nhiều người không hài lòng khi chưa có được một căn nhà hoành tráng hơn, một chiếc xe xịn hơn bạn bè, thành tích học tập của con cái chưa bằng chị bằng em.

Suy cho cùng, cái tư duy ganh đua tiêu cực ấy chỉ làm căng thẳng, làm khổ chính ai đang sở hữu nó.

Nguyễn Sơn
Nguồn http://vanhien.vn/news/cho-nen-nong-voi-hon-thua-79540
Bạn đang đọc bài viết "Chớ nên nóng vội, hơn thua!" tại chuyên mục Diễn đàn. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.