Thơ Chử Văn Long gói lại nỗi buồn, tâm trạng dằn vặt qua nhiều góc nhìn cuộc sống, ví như ông, một thời đi làm hằng ngày phải ngang qua Văn Điển tới hai lần, nhà thơ tự đùa mình rằng: “Tôi hằng ngày hai lần đạp xe đi qua đất chết/ có lẽ mình “bất tử” cũng nên”. Khi ngỡ nỗi đau nhẹ thênh, thành không buồn, cũng là một cách vượt qua nỗi buồn của người cầm bút. Trong bài Đẹp và buồn, ông viết: “Cũng cần chi khát vọng nhiều hơn/ được yêu em sống đẹp và buồn”. Đó là những niềm yêu thuần khiết giản dị: “Thơ tình yêu của một người đứng tuổi/ khi em tới muộn màng/ thời gian thành đắm đuối/ sớm nay như mùa thu/ lá vàng rơi bối rối...”.
Đọc thơ Chử Văn Long thường thấy nỗi đời ưu tư “còn anh con nước băng ngàn/ một đời va đập để tan hết mình”. Nhà thơ khát vọng “mơ đời sống đẹp như tranh/ mơ người say đắm ngọt lành thủy chung”. Có những khổ thơ của Chử Văn Long khiến người đọc cảm thấy cay đắng và chua chát. Đời người gặp khúc trầm luân ấy, và vượt qua, hình như ông đã tìm được bến bờ của tình yêu. Thơ Chử Văn Long lại ngợi ca tình yêu: “Anh trao em sợi vàng ròng/ tình yêu ta với những dòng thơ đau”.
Đọc một chặng thơ nhìn rõ phận người, nhà thơ Chử Văn Long là người thợ của Xí nghiệp Gạch ngói Văn Điển, sau chuyển sang làm báo, thơ ông có bài u buồn, mà nói như tiểu thuyết gia Nazim Hikmet là “người ta có quyền buồn, nhưng không được quyền bi quan”.
Đặc biệt, Chử Văn Long viết về Hà Nội quê hương ông, Hà Nội một thời: “Người Hà Nội bấy giờ thân thiện lắm/ không phân biệt nhà quê, thành phố, sang hèn”. Vẫn biết ngày xưa Hà Nội tĩnh lặng hơn và mơ mộng hơn, đó là thời chỉ có xe đạp không có xe máy, và nhà thơ “Ta chưa có một căn phòng nho nhỏ/ Kê đủ chiếc giường cho giấc ngủ hằng đêm/ Như thế đấy mà anh yêu Hà Nội/ Suốt một đời lặng lẽ tựa yêu em...”.
Cuộc sống thời bao cấp nghèo khó, sự sống tạm bợ, một cái nghèo mà cánh cửa căn nhà của Chử Văn Long cũng phải chắp vá bằng gỗ tạp. Nhưng rồi cánh cửa chắp vá vẫn nguyên đó chưa được thay thì vợ nhà thơ đã mất. “Đau xót làm sao đời người nhiều khi ngắn hơn những gì tạm bợ/ đau đớn biết bao mỗi khi tay anh đụng vào cánh cửa/ tạm bợ còn đây mà em đã đâu rồi?”. Những câu thơ se sắt nỗi nghèo của đời người lương thiện. Khi nhà tạm, sống tạm và người rời cõi tạm: “Em đi bỏ lại trăng vàng/ ngẩn ngơ bóng lẻ trên giàn sáng soi/ hoa rơi rồi lá vàng rơi...”, để nhà thơ lặng lẽ tìm: “Đâu còn dấu chân quê in dọc phố Tràng Tiền/ Anh tìm lại Cột Đồng Hồ - còn đâu nữa dáng em...”.
Một đời người cặm cụi làm thơ, một người thợ, một nhà báo Hà Nội đã đi qua chiến tranh, đi qua thời bao cấp, sống nghèo nhưng hồn thơ phong phú. Thơ Chử Văn Long ánh lên sự run rẩy nỗi buồn thế sự và phận người. Thơ ông góp vào hơi thở Hà Nội những bóng dáng của thi nhân và của nhân dân lao động với những trăn trở day dứt, ước muốn con người thiện lương, không xô bồ, như giây phút xa xưa trong Hà Nội một thời thơ, ông viết: “Giờ viết câu thơ tạ ơn Hà Nội/ Những gì đã cho ta thuở ấy đẹp vô ngần”.
Khát vọng về Hà Nội của ngày xưa và quá vãng. Và người viết đã lưu trữ được bằng thơ.