Từ xưa đến nay trong đời sống đương đại thú chơi hoa, cây cảnh đã là một món ăn tinh thần không thiếu trong đời sống của người dân và đã trở thành một môn nghệ thuật trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc. Cũng chẳng biết nghệ thuật chơi hoa, cây cảnh xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào nữa nhưng không thể phủ nhận nghệ thuật chơi hoa, cây cảnh không chỉ giúp cải thiện đời sống tinh thần mà những loài cây hoa quý hiếm, có giá trị, theo quan điểm của nhiều người, cũng nâng cao vị thế của bản thân, tạo phong thủy,… Nắm bắt được nhu cầu thưởng thức các loại cây, hoa cảnh có giá trị, đặc biệt hiện nay đối với dòng các dòng hoa lan, trên các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông liên tục phản ánh đưa thông tin về các thương vụ giao giao dịch liên quan đến hoa, cây cảnh diễn ra rầm rộ, tràn lan từ cả quy mô và hình thức. Nhắc đến các giao dịch liên quan đến cây, hoa cảnh nói chung và gần đây là dòng lan đột biến nói riêng, không ít người nghĩ ngay đến các giao dịch bạc tỷ, thương vụ nghìn tỉ đồng. Không hề nói quá khi so sánh Lan đột biến còn đắt hơn vàng từ các giao dịch 250 tỷ đồng cho một cây Lan đột biến ngọc sơn cước tại thị xã Đông Triều Quảng Ninh; Lan phi điệp đột biến có tên gọi “Huyền thoại Bướm Đại ngàn” được chủ Facebook Chính Trường rao bán với giá 100 tỷ đồng, giao dịch cây sanh với giá trị đến hàng chục tỷ đồng,… Sự “nở rộ” của thị trường này đặt cho nhiều người câu hỏi đâu mới là giá trị thực của những cây, hoa cảnh? Phải chăng đang có sự hô biến, thổi giá tạo ra một thị trường “bong bóng” lan đột biến?
Trước diễn biến phức tạp của thị trường lan đột biến, cơ quan điều tra tiến hành vào cuộc. Ngay sau khi sự việc giao dịch 250 tỷ đồng cho một cây Lan đột biến ngọc sơn cước tại thị xã Đông Triều Quảng Ninh diễn ra, Cục điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu C03 đã phối hợp với công an tỉnh Quảng Ninh triệu tập cả người bán và người nhận chuyển nhượng để làm rõ thông tin. Theo biên bản làm việc thực tế không có việc giao bằng tiền mặt như thông tin các đối tượng đăng tải trên Facebook mà các bên thực hiện kí kết hợp đồng nhân giống 5000 cây con từ cây mẹ.
Trên thực tế không ít các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về lan để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 12/2020, Công an Huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỷ đồng; đối tượng sử dụng phương thức tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thưởng bằng keo. Công an Huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã bắt tạm giam một bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạt sử dụng mạng xã hội bán lan đột biến giải, lừa đảo chiếm đoạt lên tới 4.6 tỷ đồng và tương tự như vậy rất nhiều giao dịch khác liên quan đến chuyển quyền lan đột biến diễn ra gần đây đều được nhận định là không có thực.Vậy, mỗi người dân cần làm gì, nhận thức ra sao trước các giao dịch lan đột biến này tránh là những đối tượng bị hại trong các giao dịch này?
1. Nhận định về hành vi lừa đảo trong các giao dịch dân sự liên quan đến lan đột biến này.
Cũng giống như các tội phạm khác khi người thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội này. Tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Như vậy, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan đột biến được biểu hiện qua các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
Về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào từ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm này không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là người phạm tội từ 14 đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này mà chỉ có người từ đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Về mặt khách thể:
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm trực tiếp các quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền, quyền tài sản... Việc xâm phạm quyền sở hữu cũng thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản. Như vậy, thông qua các giao dịch chuyển quyền lan đột biến thì người phạm tội đã xâm phạm trực tiếp quyền sở hữu tài sản của công dân, cơ quan, tổ chức.
Về mặt chủ quan:
Tội phạm lừa đảo được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản và thực hiện qua một giao dịch có đối tượng không có thực tại thời điểm xác lập quan hệ dân sự. Qua quá trình xác minh đối với nhiều giao dịch mua bán lan thì có thể khẳng định các đối tượng đã cố ý thông qua nhiều thủ đoạn khác nhau như đăng tin, thổi phồng giá trị của lan đột biến để hướng tới giao dịch lan hàng tỷ đồng.
Về mặt khách quan:
Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; Dùng thủ đoạn gian dối là việc đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.
Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác, ví dụ như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến việc chuyển quyền lan đột biến thì người mua hết sức lưu ý về hành vi khách quan của những người bán lan như việc đưa ra các thông tin không đúng sự thật, đối tượng mua bán không có thật…
2. Nhận biết các giao dịch dân sự, hợp đồng mua bán lan hợp pháp
Căn cứ theo các quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì để được coi là một giao dịch dân sự, hợp đồng mua bán hợp pháp thì phải thỏa mãn các yêu cầu, điều kiện sau:
+ Về chủ thể tham gia giao dịch dân sự có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập. Đối với những giao dịch dân sự khác nhau thì về điều kiện của chủ thể cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, ở đây liên quan đến các giao dịch lan có giá trị lớn thì cần phải người có đầy đủ năng lực hành vi, nhận thức xác lập mới đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch.
+ Ý chí tự nguyện: Khi tham gia giao dịch dân sự thì các chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện xác lập các nội dung có trong hợp đồng, không bị đe dọa, cưỡng ép, miễn cưỡng thực hiện.
+ Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể tham gia giao dịch thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định. Còn đối với những quy phạm đạo đức rất rộng tùy từng vùng miền có những quy tắc đạo đức khác nhau mà được đa số cộng đồng dân cư thừa nhận là quy tắc xử sự đúng đắn.
+ Về hình thức của các giao dịch: Đối với yêu cầu này thì Hợp đồng phải đảm bảo quy định về hình thức theo quy định pháp luật có thể là Hợp đồng miệng đối với những tài sản giá trị nhỏ, hoặc Hợp đồng bằng văn bản, Hợp đồng được công chứng, chứng thực đối với những giao dịch mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, tùy thuộc vào đối tượng mà các bên giao dịch thí sẽ có những điều kiện cụ thể. Nhưng ở đây có thể khẳng định được rằng chưa có cơ sở nào để xác định những cây lan đột biến lại có giá trị cao như vậy? hay là một trong các chiêu trò thổi giá của một số người lợi dụng nhằm mục đích khác. Vì đây là các giao dịch dân sự nên nhà nước cũng chưa có chế tài can thiệp vào các giao dịch này. Do đó, những người tham gia vào giao dịch này cần hết sức cẩn thận và cảnh giác với các chiêu trò của người phạm tội.
3. Xác định thuế đối với các giao dịch chuyển quyền lan đột biến.
Giả sử các giao dịch liên quan đến lan đột biến được diễn ra thật thì hiện nay, vấn đề về xác định thuế đối với các giao dịch chuyển quyền lan đột biến vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc này. Bởi:
Thứ nhất, cần khẳng định lan đột biến là sản phẩm có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó tại Thông tư 111/2013TT-BTC hướng dẫn về luật thuế thu nhập cá nhân có xác định một số trường hợp miễn thuế đối với việc chuyển nhượng sản phẩn từ nông nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
e.1) Có quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, quyền sử dụng mặt nước, quyền thuê mặt nước hợp pháp để sản xuất và trực tiếp tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản.
Trường hợp đi thuê lại đất, mặt nước của tổ chức, cá nhân khác thì phải có văn bản thuê đất, mặt nước theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng với các công ty Lâm nghiệp
e.2) Thực tế cư trú tại địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Địa phương nơi diễn ra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn này là quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là đơn vị hành chính cấp huyện) hoặc huyện giáp ranh với nơi diễn ra hoạt động sản xuất.
e.3) Các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới chỉ sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên thì nếu người trồng lan trực tiếp mang bán cho người khác thì không phải chịu thuế thu nhập phát sinh từ hoạt động giao dịch chuyển quyền này.
Thứ hai, tại khoản 5 điều 5 Thông tư 219 /2013 TT-BTC quy định về trường hợp phải nộp thuế đối với sản phẩm nông nghiệp khi chuyển nhượng như sau:
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Trong khi đó tại khoản 1 điều 3 Nghị định 29/2007 NĐ-CP quy định về các trường hợp cá nhân hoạt động thương mại không phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh như sau:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Như vậy, vấn đề pháp lý mấu chốt đặt ra ở đây khi nhà nước muốn thu thuế đối với hoạt động chuyển quyền đối với lan đột biến là gì? Đầu tiên là vấn đề xác định mục đích lợi nhuận trong các thương vụ mua bán lan của những người kinh doanh lan thì đã rõ. Nhưng ở đây các Cơ quan chức năng có xác định được người mua bán hoa lan có là đối tượng cá nhân kinh doanh được điều chỉnh theo Luật Thương mại, và luật doanh nghiệp hay không lại là một vấn đề đáng bàn luận và nếu không thì những người buôn bán an có thuộc các trường hợp được quy định tại Nghị định 29/2007/NĐ-CP hay không? Như vậy, đang có sự xung đột giữa các quy phạm pháp luật về điều chỉnh vấn đề cá nhân kinh doanh giữa các Văn bản pháp luật (Nếu xác định được cá nhân kinh doanh thì thuế suất tính thuế thu nhập cá nhân sẽ là 0,5% tổng giá trị giao dịch theo điểm a khoản 3 điều 10 Luật sửa đổi các luật về thuế 2014).
Đối với việc xuất hóa đơn GTGT của người bán hàng không được coi là thương nhân sẽ được thực hiện theo quy định tại điều 13 của thông tư 39/2014/TT-BTC. Cụ thể:
1. Cơ quan thuế cấp hóa đơn cho các tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hóa đơn.
Như vậy, để tính thuế đối với các giao dịch về chuyển quyền lan đột biến (nếu có) cũng không phải là vấn đề đơn giản đối với các Cơ quan chức năng.
4. Đưa những thông tin không đúng sự thật thì xử lý ra sao?
Tùy theo tính chất, mức độ thì người đưa thông tin giả mạo, sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tại điểm a khoản 1 điều 101 NĐ 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Nếu vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo điều 288 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội danh Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Cụ thể:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
5. Những lưu ý về việc giao dịch có giá trị lớn, qua mạng xã hội
Cần kiểm chứng về người đối tác khi thực hiện giao dịch phải là những đối tượng có thật. Và không nên nóng vội xác lập các giao dịch này khi mới có thông tin cơ bản.
Kiểm chứng về tính pháp lý của các tài sản khi đưa vào giao dịch.
Và ở đây trong các giao dịch dân sự mua bán lan được coi là những thương vụ bạc tỷ thì những người mua lan hết sức lưu ý về giá trị thực của những cây lan. Trường hợp cần thiết thì có thể thuê một đơn vị định giá độc lập để xác định giá trị thực của đối tượng mua bán trong giao dịch lan đột biến.
Khi xác lập Hợp đồng có giá trị lớn nên thực hiện công chứng, chứng thực đối với các Hợp đồng này để đảm bảo tính hợp pháp, hiệu lực của các giao dịch.
Ngoài ra, qua việc Cơ quan chức năng xác minh một số thương vụ mua bán lan đột biến thì chúng tôi nhận thấy các đối tượng xác lập Hợp đồng mua bán lan dưới dạng Hợp đồng có điều kiện để trốn tránh các nghĩa vụ với nhà nước như vụ việc mua bán lan tại Quảng Ninh vừa qua. Và các điều kiện này rất khó để xảy ra trong thực tế, và chưa có chế tài kiểm soát cụ thể các điều kiện này. Do đó, các bên tham gia giao dịch hết sức lưu ý về các vấn đề này.