Thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Việt Nam, chặng đường nhìn lại

Đăng bởi Đức Linh

15/04/2021 09:42

Hiệp định đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thực hiện được 2 năm, đã thể hiện hiệu quả trong hỗ trợ thúc đẩy kinh tế các nước thành viên. Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực mở rộng phạm vi thương mại để ứng phó với suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra, CPTPP đã nổi lên như một lựa chọn đầy hấp dẫn, Từ thực tế Việt Nam, dưới góc nhìn doanh nghiệp, bài viết đề cập đến những vấn đề phát sinh trong thực thi nhằm khuyến nghị Nhà nước, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan có giải pháp thích hợp trong giai đoạn tới.

Xuất nhập khẩu sau 2 năm thực hiện Hiêp định CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực đối với việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019, Nhìn nhận về cơ hội xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Trang cho biết, với quy mô nhập khẩu của 10 nước tham gia Hiệp định khoảng  2.500 tỷ USD, Việt Nam chiếm trên 1,7% với kim ngạch xuất khẩu sang các nước Canada đạt mức 4,36 tỷ USD, Mexico 3,16 tỷ USD, Nhật Bản 20,8 tỷ USD, Singapore 3,21 tỷ USD, Australia 3,53 tỷ USD và New Zeland trên 542 triệu USD.

 Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 tăng trung bình trên 7,8%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7 %; mức gia tăng xuất khẩu sang những thị trương mới của CPTPP khá ấn tượng,  đạt từ 26% đến 36%. Trong bối cảnh hầu hết cá đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, sự gia tăng này cho thấy, CPTPP đã tạo tác động ban đầu tích cực và thể hiện hiệu ứng mở đường cho xuất khẩu của Việt Nam để tiến sâu vào châu Mỹ. Mặc dầu vậy, nhưng so với trung bình xuất khẩu của Việt Nam vào những thị trường khác, thị trường CPTPP dường như chỉ mới bổ trợ phần nào đó cho đà tăng trưởng tự nhiên. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan vào thị trường CPTPP chỉ đạt 1,67%, là mức thấp so với mức trung bình 37,2% của năm 2019; đây là chỉ dấu đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ hiệp định này đang còn giới hạn .

Phân tích nguyên nhân hạn chế, giới phân tích cho rằng, ưu đãi thuế quan của CPTPP trong giai đoạn đầu còn thấp so với các FTA đã có cùng các đối tác và quy tắc xuất sứ của CPTPP tương đối phức tạp, có sự khác biệt so với các FTA nên cần có thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh. Điểm tích cực nhận thấy là, ở các thị trường chưa từng có FTA với Việt Nam như Canada và Mexico, tỷ lệ tận dụng ưu dãi thuế quan trong năm đầu đã đạt từ  7,26% đến 8%, không thấp hơn so với mức đạt được của nhiều FTA khác trong năm đầu thực thi.

Cùng với những hạn chế về xuất khẩu, từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài có thể nhận thấy, năm 2019, Việt Nam thu hút được 9,5 tỷ USD đầu tư từ các nước CPTPP, giảm so với năm 2018. Vốn FDI giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như  của Australia và Malaysia, song điểm sáng trong bức tranh này lại là vốn FDI từ các đối tác mới như Canada, Mexico được cải thiện đáng kể và tình trạng này đã được cải thiện rõ rệt trong năm 2020, khi tổng vốn FDI thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm 2019 trong bối cảnh chung ,tổng vốn FDI Việt Nam thu hút giảm gần 25%.

Về thực tế hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác CPTPP, khảo sát nhận diện của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong tổng thể Nhật Bản vẫn tiếp tục là thị trường có mối liên hệ chặt chẽ nhất. Đối với doanh nghiệp nhà nước Sigapore là thị trường quen thuộc và phổ biến. Riêng khối FDI, Nhật Bản, Australia và mới đây là Canada là những bạn hàng thường xuyên nhất.

Từ những điểm nghẽn cần khắc phục do thiếu lao động tay nghề cao, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu, sản phẩm nông lâm thủy sản chưa đảm bảo về chất lượng cần khắc phục. Để tiếp tục tăng cường hiệu quả thực thi hiệp định, giới phân tích cho rằng, cần xây dựng sửa đổi văn bản pháp luật có liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về CPTPP chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực và thị trường trọng điểm; đặc biệt cần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và tiết giảm chi phí ngoài sản xuất, nhất là chi phí logistics.

Trong hoàn thiện thể chế, Quyết định số 121/QĐ-TTg của Chính phủ đã liệt kê cụ thể danh mục các văn bản cần xây dựng, sửa đổi và bổ sung. Sau 2 năm thực thi, 18 văn bản mới, sửa đổi và bổ sung đã được ban hành để thực thi những cam kết của Hiệp định CPTPP. Mặc dù được soạn thảo nhanh hơn đáng kể so với quy trình thông thường, song phần lớn văn bản  ban hành đều chậm hơn so với yêu cầu từ 15 ngày đến 20 tháng.

Nhận thức về CPTPP của doanh nghiệp và triển vọng

Đánh giá mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP,kết quả điều tra khảo sát của VCCI đã chỉ ra, số doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về hiệp định này cao hơn các FTA khác chiếm 69%, 25% số doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về hiệp định, nhưng chỉ có 5% (1/20) biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả đưa ra còn cho thấy, những nỗ lực tuyên truyền phổ biến CPTPP có hiệu quả bước đầu, song mới trên bề mặt. Với một FTA khó và phức tập như CPTPP cần có những biện pháp thông tin chi tiết, chuyên sâu và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

CPTPP nằm trong nhóm 3 FTA được doanh nghiệp đánh giá cao. Theo VCCI, 51% doanh nghiệp cho rằng,Hiệp định có tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh, chỉ thấp hơn các FTA ký với Nhật bản và tương đương các FTA với Hàn Quốc.Với một Hiệp định mới có hiệu lực, lộ trình thuế quan chưa có lợi thế,đây là kết quả khá lạc quan. Thực tiễn cũng chỉ ra các doanh nghiệp nhìn vào CPTPP không chỉ từ tác động cụ thể trực tiếp mà còn từ biểu tượng của Chính phủ trong những nỗ lực để hội nhập theo chiều sâu với tiêu chuẩn cao để cải cách chính mình. Qua đó cũng cho thấy, Doanh nghiệp dường như cảm nhận được quyết tâm của Chính phủ để không chỉ thực thi CPTPP mà còn kết hơp thúc đẩy thực thi các FTA đã ký kết. Theo đó, chưa bao giờ các FTA lại tập trung được sự chú ý và quyết tâm hành động như những năm gần đây.

Trong khi các doanh nghiệp dân doanh và FDI cảm nhận rõ nét về tác động của CTPP với trên 50% cho rằng có tác động tích cực và lần lượt  chỉ có 6,8% số doanh nghiệp dân doanh và 2,2% doanh nghiệp FDI đánh giá đánh giá tiêu cực; thì khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước còn đứng ngoài những tác động này với 64% số doanh nghiệp điều tra cho rằng không có tác động gì. Theo nhận xét của VCCI, dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA  chưa mấy tác động mạnh đến khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Về tác động cụ thể của CPTPP, kết quả điều tra khảo sát cũng chỉ ra, 25% số doanh nghiệp từng được trải nghiệm từ Hiệp định. Nhóm lợi ích phổ biến nhất đối với doanh nghiệp là thuế quan, những tác động tích cực về thể chế như các biện pháp cải cách thủ tục hành chính; điều chỉnh chính sách, pháp luật cũng được doanh nghiệp nhấn mạnh. Một số doanh nghiệp còn cảm nhận được lợi ích trong tương lai từ những cam kết được coi là tiêu chuẩn cao trong CPTPP như bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ.

Với ¾ số doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi trực tiếp từ CPTPP, kết quả điều tra khảo sát của VCCI cũng đã cho thấy, tới 60% không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đếna thị trường hoặc đối tác ở khu vực CPTPP. Khu vực CPTPP chỉ chiếm chưa đầy15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2019 là một gợi ý cho thấy, cần thiết phải quảng bá những cơ hội mới đối với doanh nghiệp từ CPTPP.

Trong số những doanh nghiệp từng giao dịch với thị trường các nước trong khu vực CPTPP nhưng chưa được hưởng lợi, tới 75% không có cơ hội; một tỉ lệ đáng kể (60%) cho rằng không rõ những cam kết liên quan hoặc được hưởng những ưu đãi phù hợp hơn so với những FTA khác; từ 14% đến 16% doanh nghiệp có quan ngại về văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn hoặc hạn chế về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao của nước nhập khẩu.

Phân tích về mức độ ưu đãi thuế quan trong CPTPP, các nhà nghiên cứu nhận thấy, lý do do khiến doanh nghiệp không tận dụng được tập trung ở 2 nhóm cơ bản, khách quan là thuế tối huệ quốc (MFN) bằng 0 nên không cần sử dụng ưu đãi thuế quan; hai là các nguyên  nhân như không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ, vướng mắc về thủ tục hoặc để lỡ hạn, thiếu các giấy tờ vận chuyển. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp không biết về ưu dãi thuế của CPTPP cho những lô hàng của mình (tới 53% doanh nghiệp dân doanh). Cũng theo VCCI, dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp đang là vấn đề lớn nhất cản trở hương lợi từ ưu đãi này.

Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tới 80% chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP do nguồn nguyên liệu và các công đoạn sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được về quy tắc xuất xứ. Rõ ràng là sự linh hoạt trong chuối cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh là bài toán cần có lời gải để có thể chớp được cơ hội từ CPTPP và các FTA.

Thời gian thực thi CPTPP chưa dài, nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn chưa từng có bởi đại dịch Covid-19 và còn phải sống chung với hiểm họa này trong bối cảnh mới. Mặc dù đã chịu nhiều thiệt hị trong thời gian qua, song phần lớn doanh nghiệp đêu tỏ thái độ bình tĩnh trong sản xuất kinh doanh, 60,4% cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường; 13,3% hoạt động kinh doanh rất tốt, có kế hoạch mở rộng sản xuất; khoảng 17% hoạt động cầm chừng và chỉ có 1% ngừng kinh doanh tạm thời hoặc ngừng hẳn.

Trước tương lai sau đại dịch,phản ứng của các nhóm doanh nghiệp có sự khác biệt, 81,8% doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, số ít phải chuyển đổi một phần sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng. Trong khu vực doanh nghiệp dân doanh, ngoài số hoạt động bình thường,phân nửa dứng trước những lựa chọn khác nhau, thậm chí cả những lựa chọn xấu nhất. Phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động bình thường, nhóm này có tỷ lệ mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất.

Nhìn chung; doanh nghiệp tỏ ra lạc quan trước tác động của CPTPP và các FTA sau Covid-19. 60% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và FTA có tác động tích cực, 29% không chắc chắn cho rằng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực, khoảng 10% đánh giá hầu như không có ý nghĩa. Trong tương lai xa hơn, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan về tác động tích cực của CPTPP và FTA với 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng về lợi ích mang lại. Không chỉ đơn giản là kỳ vọng mà có tới 57,7% đặt kỳ vọng cao vào những hiệp định này. Đây có thể là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn và có hành động thích hợp để hiện thực hóa các cơ hội đến từ CPTPP và các FTA.

Về các lợi ích cụ thể, 96% doanh nghiệp mang hy vọng có cơ hội hợp tác liên doanh với những đối tác nước ngoài; tiếp đó 94% hy vọng mở ra những cơ hội kinh doanh thuận lợi cả về việc tiếp cận lẫn tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; từ 85% đến 90% tin tưởng có cơ hội liên quan tới thương mại hàng hóa thuộc những nhóm hàng kỳ vọng.

Phân tích về những yếu tố cản trở, các nhà quản lý thuộc VCCI nhận xét, đứng trong nhóm đầu về cản trở là sự thua kém về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp đến là các biến động và bất định của thị trường, cản trở thứ ba liên quan đến các yếu tố từ phía cơ quan nhà nước như tình trạng thông tin về những cam kết, cách hiểu và vận dụng, vướng mắc, thiếu sự linh hoạt hoặc những hạn chế trong tổ chức thực thi. Sau cùng mới là những nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu 5 năm trước (2016) bất cập trong thực thi của cơ quan nhà nước là lý do chủ yếu cản trở doanh nghiệp (Từ 81% đến 84%), thì ngày nay vấn đề này đã xuống hàng thứ ba. Có thể nói so với trước đây, doanh nghiệp  đã bớt lo lắng hơn về thể chế, nhưng phải đối mặt với thách thức lớn nhất đó chính là bản thân mình.

Trong tương lai không xa, CPTPP và các FTA có thể là những trợ lực hiệu quả. Để đòn nhận những cơ hội đến, ¾ doanh nghiệp Viêt Nam cho biết, đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng.  Kết quả điều tra, khảo sát gần đây nhất của VCCI còn cho thấy, sự thống nhất thứ tự nguyên nhân cản trở và những giải pháp ưu tiên doanh nghiệp cần làm. Theo đó, đầu tiên là điều chỉnh để củng cố, cải thiện năng lực cạnh tranh nền tảng của doanh nghiệp; tiếp đó là tính toán để tận dụng những cơ hội đến từ CPTPP và các FTA và sau cùng là những kế hoạch sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.

Ngoại từ mối quan tâm cao nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, các nhà phân tích cho rằng, thứ tự kế hoạch ưu tiên của từng nhóm doanh nghiệp sẽ có những khác biệt, nó cần phản ánh được những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp dân doanh cần coi trọng kỹ năng quản lý và quảng bá sản phẩm; các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải tập trung vào đào tạo nâng cao năng lực người lao đông và vấn đề bức xúc là công nghệ để tăng năng suất; còn các doanh nghiệp FDI là ưu tiên chuyển đổi nguồn cung nguyên vật liệu để tận dụng tốt hơn những ưu đãi thuế quan.

Thay cho lời kết

Kết quả 2 năm thực thi CPTPP cho thấy, Hiệp định có những tác động bước đầu tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực cho một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, những gì đạt được còn thấp hơn nhiều so với mong muốn kỳ vọng. Nguyên nhân diễn ra không chỉ bởi từ tình hình căng thẳng thương mại toàn và đại dịch Covid-19, mà còn ở những vấn đề chủ quan của nhà nước và các doanh nghiệp. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế; hơn bao giờ hết, Chính phủ và doanh nghiệp cần phân tích làm rõ, rút kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng để thực thi hiệu quả Hiệp định trong thời gian tới.

Theo  các nhà phân tích về phía Nhà nước, công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị xây dựng các quy định pháp luật với những cam kết thể chế trong thực thi cần cẩn trọng, với tầm nhìn liên ngành để đáp ứng yêu cầu thẩm định có tham vấn cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan chịu trách nhiệm dự thảo văn bản, quy định nội dung Luật hóa và những cam kết CPTPP cần khẩn trương thực hiện ngay, không chờ đợi đến thời điểm cam kết có hiệu lực mới tiến hành.

 Liên quan đến tổ chức thực thi, nhiều ý kiến cho rằng, cần có đầu mối thống nhất để cung cấp thông tin, tư vấn và giải thích nội dung cam kết cho doanh nghiệp và các tổ chức thi hành. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào thực chất hoạt động, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại quốc gia một cách hệ thống và nhất là cung cấp thông tin thị trường, kết nối cung cầu cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, điều cần là chủ động tìm hiểu cơ hội, cam kết thực thi và hành động thiết thực hóa lợi ích mang lại. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đó không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện mà còn là chìa khóa để chớp được cơ hội trong quá trình hội nhập.

Từ liên kết và hợp tác kinh doanh để cùng mạnh lên, hy vọng thay vì những nỗ lực đơn lẻ kém hiệu quả, trong khuôn khổ VCCI hoặc các Hiệp hội chuyên ngành, các doanh nghiệp nước nhà có sự hợp tác để cùng vận động chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm giải phóng sức sáng tạo và hội nhập thành công./.

Nguồn tài liệu tham khảo

Viêt Nam sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp ;VCCI tháng 4 năm 2021.

Nguyễn Cẩm Trang (2021) Hoạt động cuất nhập khẩu sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTP

Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp”;

Hà Nội ngày  07 tháng 4 năm 2021.

Nguyễn Thị Thu trang(2021) Doanh nghiệp Việt Nam với 2 năm thực thi CPTPP ,

 Hội thảo“Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp”;

Hà Nội ngày 07 tháng 4năm 2021

 

Địa chỉ liên lạc                Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân,  Quận Tây Hồ Hà Nội

               Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com 

Đức Linh
Bạn đang đọc bài viết "Thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Việt Nam, chặng đường nhìn lại" tại chuyên mục Kinh tế - Thị trường. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.