Theo tài liệu nghiên cứu về lan của Việt Nam (năm 2003), ở nước ta đã biết được 897 loài thuộc 152 chi của họ lan. Trên thế giới có chừng 35.000 loài và 800 chi của họ lan không kể các loài lan lai mới tạo được (Trần Duy Quý, 2005). Họ lan (Orchidaceae) chỉ bao gồm các loài cây thân thảo. Hoa lan được xếp vào họ 2 lá mầm cùng họ với ngô, lúa, đặc điểm nhận dạng là gân lá song song. Như vậy các cây có gân lá hình mạng thì không thuộc họ lan.
Các loài hoa lan tự nhiên đều có sức sống mãnh liệt. Cây có thể sống trên kẽ đá, trên cây đang sinh trưởng, cây đã mục khô, thảm thực vật đã mục nát (như phong lan) hoặc có thể sống trên đất (như địa lan). Mỗi khi gặp những điều kiện sống bất lợi nhất thì sức sống của cây lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong điều kiện khô hạn thì rễ cây sẽ mọc ra nhiều và vươn dài ra rất nhanh để đi tìm nguồn nước hoặc cây sẽ mọc ra nhiều cây con trên những đốt thân, đốt cành hoa đã già sau mỗi mùa rụng lá hoặc sau khi ra hoa.
Một điểm rất thú vị ở cây hoa lan đó là cây chỉ ra hoa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa khô, mùa lạnh, khi rụng hết lá, điều kiện sống bất lợi cây sẽ trổ hoa để duy trì nòi giống. Chính đặc điểm này đã được các nhà khoa học tận dụng để tạo môi trường, điều kiện sống thích hợp giúp cây lan ra hoa như mong muốn bằng một số biện pháp kỹ thuật như xử lý lạnh (nhiệt độ thấp) cho lan hồ điệp, xử lý sốc khô cho Lan vũ nữ, Đai Châu, tăng cường ánh sáng cho lan Hoàng thảo…
Tại sao hoa lan lại hội tụ tất cả các đặc điểm quý của các loài hoa khác và được coi như nữ hoàng của các loài hoa?
Câu trả lời nằm ở cấu tạo đặc biệt của hoa lan. Hoa lan có 3 cánh đài, 3 cánh tràng, 1 trong 3 cánh tràng biến dạng thành hình lưỡi có 3 thùy gọi là cánh môi, 3 cánh đài giống với 2 cánh tràng còn lại tạo thành bông hoa có 5 cánh và một cánh môi. Đầu trục hoa là nhị đực chứa 2 hạt phấn được bao phủ bởi nắp bao phấn rất chặt chẽ. Dưới nhị đực là nhụy có hình lõm và có nhiều chất nhày khi hoa nở để sẵn sàng kết dính và tiếp nhận hạt phấn.
Do đặc điểm của hầu hết các loài lan là khả năng tự thụ phấn kém (nguyên nhân là do nắp bao phấn đóng rất chắc và hạt phấn không tiếp cận được với nhụy hoa) nên không thể xảy ra quá trình thụ phấn mà phải nhờ đến các loài côn trùng lớn như ong, bướm…đến thụ phấn cho hoa. Chính bởi sự giao phấn ngẫu nhiên này đã tạo cho hoa lan nhiều đặc tính quý giá: hoa có nhiều hình dáng đẹp, cấu tạo hoa phong phú, màu sắc hấp dẫn và hương thơm ngọt ngào quyến rũ.
Sự phong phú về kiểu dáng của các loại hoa lan khiến con người không khỏi ngỡ ngàng. Trong khi lan Ngọc Điểm có hình dáng nhìn nghiêng giống như hình con ong thì lan Hồ Điệp lại mang hình dáng giống như những chú bướm đầy màu sắc, hay đôi khi lại là hình chiếc hài như lan Hài, hình cô gái đang khiêu vũ như lan Vũ Nữ và rất nhiều hình dạng khác nhau khiến cho hoa lan có vẻ đẹp đến kỳ diệu. Mặt khác, cánh hoa hình lưỡi này hay còn gọi là cánh môi chìa ra phía trước giống như một cái sân rộng để các loài côn trùng có thể bay đến, hạ cánh trên đó, sau đó bám chân lên đầu trục hoa giúp hoa bật lắp bao phấn, giải phóng 2 hạt phấn và hạt phấn có thể tiếp cận được với nhụy hoa. Đó là sự kỳ diệu của quá trình chọn lọc tự nhiên, tất cả các loài lan có hoa đẹp, màu sặc sỡ, hương thơm có khả năng hấp dẫn các loài côn trùng đến thụ phấn thì tồn tại được đến ngày nay.
Vậy quá trình thụ phấn, thụ tinh và hình thành quả ở cây hoa lan diễn ra như thế nào?
Hoa lan nếu không được thụ phấn sẽ luôn tươi mãi với độ bền hoa có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, hoa cứ chờ đợi, khoe sắc và tỏa hương thơm để làm đẹp cho đời. Nhưng một khi hoa đã được thụ phấn thì sẽ nhanh chóng héo tàn chỉ sau 1 - 2 ngày, tập trung dinh dưỡng để phát triển quả. Sau thụ phấn 3 ngày đến 1 tuần là bầu quả bắt đầu phình to.
Có thể nói hoa lan đã dùng trăm phương ngàn kế để hấp dẫn các loài côn trùng đến giúp hoa thụ phấn, duy trì nòi giống. Mặc dù vậy, quá trình thụ phấn tự nhiên của hoa cũng chỉ đạt được khoảng 5 - 10% tùy loài, nhưng nếu dùng phương pháp thụ phấn nhân tạo thì tỷ lệ đậu quả đạt khá cao (trên 80%).
Một đặc điểm khác biệt nữa của hoa lan đó là thời gian từ khi đậu quả đến lúc quả chín khá dài, trung bình từ 4 - 12 tháng. Đối với lan Ngọc Điểm Đai Châu là khoảng 9 - 10 tháng, lan Hồ Điệp khoảng 4 - 5 tháng, địa lan khoảng 10 - 12 tháng. Quả lan thuộc dạng quả nang có 3 - 5 rãnh, khi chín quả nứt ra theo chiều dọc quả.
Hạt lan nhỏ như hạt cám, không có nội nhũ, hạt nhẹ và có thể phát tán theo gió bay đi rất xa. Tuy vậy do hạt không có nội nhũ, không có chất dinh dưỡng nên rất khó nảy mầm trong tự nhiên (tỷ lệ nảy mầm của hạt là rất thấp chỉ đạt 1 - 5% tùy loài). Những hạt nảy mầm là những hạt được sống trong điều kiện môi trường giàu dinh dưỡng và tối ưu, còn hầu hết các hạt sẽ bị chết trong tự nhiên, đó cũng chính là lý do vì sao khi gieo hạt trong điều kiện nhân tạo, ở môi trường dinh dưỡng trong ống nghiệm thì hạt có thể mọc rất tốt và cho ra hàng nghìn cây lan con chỉ với 1 quả.
Hoa lan bản địa có rất nhiều đặc tính quý báu. Từ lâu việc tìm kiếm và sưu tầm những giống lan quý hiếm đã trở thành niềm say mê của người chơi hoa. Tuy nhiên, hiện nay do việc khai thác quá mức loài lan này trong tự nhiên đã làm các nguồn gen quý có nguy cơ mất dần và trở nên cạn kiệt.
Ngày nay, để tạo ra một giống hoa lan mới đáp ứng nhu cầu thương mại và sở thích của người chơi, biện pháp lai hữu tính đã được áp dụng một cách phổ biến. Bằng phương pháp lai hữu tính dựa trên các nguồn gen sẵn có và nhập nội, các nhà khoa học đã tạo ra giống hoa lan mới từ các cây lai cùng loài, khác loài, khác chi để tạo ra nhiều giống mới với muôn vàn màu sắc và kiểu dáng đặc trưng khiến cho hoa lan ngày càng trở nên phong phú.
Hoa Lan ngọc điểm lai châu
Hoa Lan phi điệp hay Lan giả hạc