Huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ được ví như “Vành đai xanh” hình cánh cung mềm mại ôm lấy thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm ĐBSCL. Đa phần cư dân địa phương nơi đây sống bằng nghề nông, mặt bằng dân trí chưa cao. Vì thế, giáo viên tại đây đóng vai trò như những người cần mẫn gieo mầm trên "mảnh đất cằn".
Trong số những giáo viên công tác tại đây phải kể đến cô Trần Thị Thùy (39 tuổi), người đã có nhiều năm giảng dạy tại trường tiểu học thị trấn Phong Điền 1.
Cô Trần Thị Thùy tận tâm với nghề, thương yêu học sinh như con của mình. Ảnh minh họa nguồn do nhân vật cung cấp
Năm 2001 sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm, cô giáo trẻ Trần Thị Thùy được phân công về giảng dạy ở xã vùng sâu Tân Thạnh Đông.
Đồng lương giáo viên khi ấy chưa cao nên cuộc sống cô Thùy và nhiều giáo viên khác rất chật vật. Nếu không thật sự yêu nghề, mến trẻ thì rất dễ nản lòng trong tình cảnh ấy. Thế nhưng hình ảnh những đứa trẻ lam lũ, tóc cháy nắng bi bô đánh vần từng con chữ như một nguồn động viên bất tận cho những người gieo chữ như cô Thùy.
Ngày đứng lớp chính khóa, đêm về cô còn tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu nhằm giúp các em lấp lỗ hổng kiến thức, tránh tình trạng chán nản, bỏ học vì không theo kịp chương trình. Thương các em học sinh nhà khó khăn, thường đến lớp với cái bụng đói, không tập trung học được, cô Thuỳ còn xuống bếp nấu cơm, nấu mì gói cho các em.
Năm 2019 cô Thuỳ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp tích cực của cô trong sự nghiệp trồng người. Ảnh minh họa nguồn do nhân vật cung cấp
Gần 20 năm theo nghề, vừa đứng lớp, vừa học để trau dồi nghề nghiệp theo từng giai đoạn. Đến nay, khi đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiểu học, cô giáo Trần Thị Thùy đã tích lũy được vốn kiến thức và nhiều kinh nghiệm để áp dụng tốt trong thực tiễn, được cấp trên ghi nhận.
Sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp 1 trường tiểu học” của cô Trần Thị Thùy mới đây đã được Ban giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá cao.
Theo chia sẻ của cô Thùy, yếu tố quyết định thành công trong công tác chủ nhiệm lớp đầu cấp tiểu học là phải lấy học sinh làm trung tâm, rèn luyện cho các em năng lực tự quản và kỹ năng giải quyết vấn đề. Không nên áp dụng rập khuôn, máy móc bất kỳ một phương pháp giáo dục nào bởi lẽ chủ thể tác động của công tác này là con người với nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng, không ai giống ai.
Hay như sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn Toán lớp 5 trong trường tiểu học” đã kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trực quan, phi trực quan như phương pháp quan sát, phương pháp khảo sát, thực nghiệm, thống kê phân loại, tổng kết… giúp tiết dạy sinh động, học sinh dễ hiểu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Ngoài công tác chuyên môn, với vai trò là một Đảng viên, cô giáo Trần Thị Thùy còn gương mẫu và giúp đỡ quần chúng nhân dân, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng. Phối hợp tốt với các đoàn thể và là cầu nối trong mọi lĩnh vực công tác của nhà trường, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, công tác từ thiện, chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất…
Khi được hỏi về những bí quyết trong công tác giảng dạy, cô Thùy cười khiêm tốn: “Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Mình cứ coi các em học sinh như con ruột của mình, cái gì mình muốn làm cho con mình hãy làm y vậy với các em".
Nhận xét về Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thùy, ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết: “Cô Thùy là tấm gương sáng trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành giáo dục huyện. Nhiều năm qua cô đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, đặc biệt năm 2019 cô được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen để ghi nhận những đóng góp tích cực của cô trong sự nghiệp trồng người”.