Xao xác mùa thu. Ảnh internet
Dễ hiểu, mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất trong năm. Đó là mùa của nhẹ nhàng thanh tao, không gắt gao như hạ, không lạnh lùng như đông, hay diễm lệ như xuân. Bầu trời thu dường như cao hơn, xanh hơn và trong hơn. Những đám mây trắng trôi lững lờ giữa bầu trời xanh thẳm. Trong gió không còn vị oi nồng khó chịu của mùa hè mà chỉ còn không gian mát mẻ tràn ngập khắp chốn. Con người, trong thu vừa qua hạ muốn gần gũi nhau hơn.
Trần Chấn Uy, có đủ diện mạo thu. Đó là “Kỷ niệm mùa thu”, trong “Giấc mơ hình trăng khuyết”, NXB Văn học năm 2007. Đó là “Đầu thu”, Mùa thu”, đã in trong tập “Bên dòng sông đa tình”, NXB Hội Nhà văn năm 2012. Và đó là, “Thu tàn”, “Cuối thu”, “Chia tay mùa thu”, “Thu”, “Dáng thu”, “Hồn thu” trong “Bóng làng”, NXB Hội Nhà văn năm 2018.
Như vậy là đầu, giữa, cuối của mùa thu đều có mặt trong thơ Trần Chấn Uy. “Đêm nằm nghe giọt đầu thu chớm/ Sáng dậy heo may hồng má ai”, đấy là hai câu thơ đầu trong bài thơ ngắn “Đầu thu” của Trần Chấn Uy.
Mùa thu vàng Hà Nội. Ảnh internet
Đọc “Đầu thu” của nhà thơ, có lẽ không ai, không hình dung ra một sớm mai thức dậy, ta khoan khoái trong cái lạnh se se ngắm những giọt sương long lanh treo trên đầu ngọn cỏ, dưới ánh nắng trong như thủy tinh dịu êm mơn man lên vạn vật. Và chúng ta chợt nhận ra mùa thu đã nhẹ nhàng đến tự khi nào mà không ai hay biết. Mùa thu đã hiện diện trên má hồng, ửng hồng má em. Cảm giác rất yêu, muốn được yêu xâm chiếm nỗi lòng.
Sương giăng mờ bến cũ
Ta qua sông một mình
Vườn xưa cúc vài nụ
Đất trời lãng đãng thu
(Hồn thu)
Trần Chấn Uy như một lãng tử, cô liêu trong “hồn thu”. Khung cảnh thu diệu vợi. Nắng thu vàng rộm sóng sánh như mật ong làm rực lên màu xanh biếc của lá, những khu vườn càng thêm đẹp lạ thường. Chiều thu, nắng nhạt dần như những dải voan trắng hư ảo hững hờ vắt ngang nền trời xanh...Đất trời như có hồn, cũng “lãng đãng” trước khung cảnh ấy, huống cho con người, huống chi trái tim thi sỹ trước khung cảnh ấy.
...
Hồn thu nghìn năm trước
Thấp thoáng nghìn năm sau
Ta với người một kiếp
Như vó ngựa qua cầu
(Hồn thu)
Thu thanh tao dịu dàng nhường ấy nhưng cũng thật sôi động và rộn ràng. Quả thật còn gì thú vị bằng được thong thả dạo bước giữa cái nắng thanh khiết của mùa thu trong hương hoa cúc thoang thoảng, trong làn lá vàng bay bay trước gió. Nhưng thu cũng là tiếp nối của quy luật trời đất. Thu xếp lá vàng của một mùa sinh sôi, chuẩn bị cho một mùa chồi nhú. Trần Chấn Uy nhận ra quy luật của vạn vật, trong từng lọn heo may, từng chiếc lá vàng.
Trước thi sỹ, cùng thời với thi sỹ đã có biết bao nghệ sĩ đã trải lòng mình với mùa thu mà vẫn chưa nói đủ những xúc cảm trong lòng với khoảng thời gian tuyệt đẹp này. Mùa thu lắng đọng trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn… trong thơ của Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và rất nhiều thi nhân khác nữa. Mùa thu làm con người ta trở nên thêm yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống. Trần Chấn Uy không ngoại lệ.
Vẻ đẹp nao lòng của mùa thu
Nhà thơ Trần Chấn Uy là thi sỹ của tình yêu. Ông viết nhiều thơ tình. Đọc thơ ông, tài hoa như nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên: “Thơ Trần Chấn Uy như những đợt sóng”. Giữa Nguyễn Trọng Tạo và Trần Chấn Uy, không chỉ đồng hương xứ Nghệ mà hai người gần như đại diện cho những gì lãng tử nhất của hai vùng đất Phủ Diễn (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh). Giữa họ gần như có sự đồng điệu, trân quý. Tác phẩm bìa sách cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chính là bìa tập thơ “Bóng làng” của Trần Chấn Uy xuất bản tháng 9/2018. Nói thế để thấy rằng, giữa hai ông có sự giao thoa về thi cảm.
Trần Chấn Uy sinh ra đúng vào mùa thu. Mùa đó, Hà Tĩnh quê ông đượm sắc vàng óng ả của những thửa ruộng vào độ chín vàng, của hương lúa mới nồng nàn trong từng cơn gió thoảng, của niềm vui rạng ngời trên mỗi nụ cười. Mùa thu với thi sỹ đầy duyên nợ phồn sinh. Có lẽ vì thế, ông xúc cảm mãnh liệt với mùa thu, trái tim ký thác với mùa thu. Thơ ông, không chỉ viết về đầu thu và gần như theo suốt thu đến lúc thu tàn. Và dẫu, thu đã tàn, nhưng “dáng thu” ở mãi trong trái tim đa tình của thi sỹ.
...
Nhìn trăng chín biết tàn thu
Thắp một nén lòng run mắt lá
Ta nhặt từ đáy mùa
Những tàn thu xác úa
Một mình nhóm lửa
Đợi mưa ngâu
(Thu tàn)
Trần Chấn Uy quan sát thu tàn bằng đôi mắt tinh tế. Khổ cuối của bài thơ “Thu tàn” ngắt nhịp đầy chủ ý, khác với “phong cách” dạt dào Trần Chấn Uy. Ông phát hiện những hình ảnh khác lạ, mới lạ. Đó là “trăng chín”. Trăng như thế nào thì “chín”, “chín” rồi trăng “rụng” không? Và, vì sao thi sỹ phải “thắp một nén lòng”, “nhặt từ đáy mùa”, “một mình nhóm lửa/ đợi mưa ngâu”. Chắc chắn, “trăng chín” là thi ảnh ẩn dụ về một giai nhân nhà thơ thầm thương, trộm nhớ; nhưng vì một lý do nào đó phải xa rời ông. Vì thế mà “thu tàn”. Thu tàn là mùa đông đến. Mùa đông của đất trời làm sao lạnh lẽo bằng mùa đông của trái tim. Biết vậy, nhưng phải gom từ “đáy mùa” những “tàn thu”, “nhóm lửa” lên chờ những mùa thu khác, vầng trăng khác...Ngâu sẽ đến. Ngâu là hình ảnh của thương nhớ, của thủy chung...
...
Mùa đã qua sông đò đã bến
Gió lật tờ mây lá trở màu
Hồn thu đã lỡ bao mùa hẹn
Lối cũ trăng về ngợp cỏ lau
(Dáng thu)
Trần Chấn Uy đặc biệt yêu mùa thu Hà Nội. Sống ở Nha Trang nên hằng năm ông thường ra Hà Nội khi trời Hà Nội se se lạnh, những cơn gió mát lạnh thổi khắp phố phường. Một hình ảnh Trần Chấn Uy thong dong dạo bộ dọc hồ Tây lộng gió hay ngồi tận hưởng không khí trong lành của hồ Gươm buổi sớm mai còn phảng phất mùi hương nồng nàn của hoa sữa…Thứ hương thơm khi thì thoang thoảng khi lại ngào ngạt cộng với tiết trời dịu nhẹ của thu Hà Nội làm cho nhà thơ nhiều khi rơi vào vấn vương. Nhưng cũng có một thu Hà Nội trong trái tim Trần Chấn Uy se sắt.
...
Về thôi, mưa đã nặng hạt rồi
Cố đô đã lỡ bao mùa hẹn
Người cũ kiếp sau xin đừng đến
Hãy để sông Hồng lặng lẽ trôi
(Chia tay mùa thu)
Ông sợ gặp lại “mùa thu” của “kiếp sau”. Ông không muốn lại “lỡ bao mùa hẹn”. Chắc phải yêu lắm một “mùa thu”, mùa ấy sống mãi trong tâm thức, trong trái tim đến nỗi luôn gợi cho ông xa xót. Người đọc có thể hiểu “Chia tay mùa thu” dưới một “tầng khác”. Đó là vẻ đẹp của thi ca.
Trần Chấn Uy là nhà thơ ồn ào và nóng bỏng. Nhưng phía sau sự ồn ào ấy, không dấu được dòng cảm xúc âm ỉ, bền bỉ, sâu lắng và da diết trong thơ. Mạch nguồn của mùa thu trong thơ Trần Chấn Uy như mạch đời, chu chuyển và dâng hiến./.