Đại hội diễn ra từ 19 đến 21/9 tại Hà Nội với sự tham dự của 490 đại biểu từ 39 chi hội điện ảnh, và là sự kiện lớn của ngành ĐAVN 5 năm/lần. Đại hội thực hiện các nhiệm vụ: Thảo luận và thông qua: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VIII – Phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ IX, Báo cáo kiểm điểm công tác của Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII, Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm tra nhiệm kỳ VIII.
Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ hiện hành (Điều lệ nhiệm kỳ VII) của Hội (Điều lệ nhiệm kỳ VIII của các Hội Văn học nghệ thuật Bộ Nội vụ chưa thông qua); Bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ IX; Bầu Ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ IX; Thông qua Nghị quyết Đại hội IX.
Ngoài vấn đề nhân sự của nhiệm kỳ mới, thì thông qua Đại hội, rất nhiều vấn đề về ĐAVN được đề cập, nhất là những yếu tố làm cho ĐAVN gặp khó khăn để trở thành một nền công nghiệp điện ảnh đích thực theo xu hướng chung thế giới.
Nhân lực là then chốt nhưng thiếu và chưa chuyên nghiệp
Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có trên dưới 40 phim Việt được sản xuất và phát hành. So với giai đoạn trước, đây là bước nhảy vọt ấn tượng, trước hết về mặt số lượng. Chất lượng phim qua mỗi năm dù chưa ổn định nhưng vẫn luôn có những phim tạo ấn tượng. Đội ngũ các nhà làm phim Việt ngày càng đông đảo, đặc biệt là thế hệ các nhà làm phim gốc Việt ở nước ngoài về nước đã thổi làn gió mới cho ĐAVN.
Bên cạnh đó, sự tham gia của nhiều thành phần trong đoàn làm phim là người nước ngoài cũng tạo nên sự giao lưu, học hỏi góp phần nâng chất cho phim Việt, nhất là những sự thay đổi về kỹ thuật, kỹ xảo trong làm phim ngày càng chất lượng.
Nhưng so với quy mô và tiềm năng của thị trường, nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt chưa đáp ứng nhu cầu. Nếu thua về máy móc, thiết bị thì có thể giải quyết sớm nhưng nguồn nhân lực thì không dễ dàng vì cái “gốc” yếu. Một thực tế là nhiều người được đào tạo chính quy nhưng không làm nghề, ngược lại, nhiều người làm nghề nhưng không được đào tạo. Bên cạnh đó, theo nhiều người làm nghề, nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt ngoài chuyện thiếu còn chưa đạt đến sự chuyên nghiệp cần thiết.
Chúng ta đang đặc biệt thiếu những biên kịch giỏi nên thị trường vẫn chỉ có chừng đó đề tài, câu chuyện, dẫn đến chất lượng kịch bản thấp; Diễn viên quanh đi quẩn lại cũng chừng đó gương mặt quen tên, việc đào tạo diễn viên vẫn bị lẫn lộn giữa sân khấu- điện ảnh, thiếu diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp.
Chưa kể đội ngũ kỹ thuật viên cũng chưa đáp ứng những phát triển công nghệ ngành phim ảnh, vẫn phải mượn chuyên gia nước ngoài. Và ngay cả việc thiếu các nhà sản xuất phim chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm phim chất lượng.
Liên quan đến công tác đào tạo, dự thảo xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi cũng đặt ra: “Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy tại các trường điện ảnh quốc gia; hỗ trợ cử sinh viên xuất sắc đi học tập ngắn hạn, dài hạn về nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển”.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, cho biết, đến năm 2026 dự kiến Việt Nam đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật ra nước ngoài học tập, trong đó có 12 tài năng điện ảnh đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Australia.
Để đi lên chuyên nghiệp thực sự, ĐAVN cần bắt đầu từ ý thức xây dựng ê kíp, phân công lao động rõ ràng. Những bước tiến về mặt hình ảnh, âm nhạc, âm thanh, kỹ xảo… cũng xuất phát từ sự chuyên nghiệp và điều này cần được nhân rộng đến tất cả các khâu để ĐAVN có thể phát triển tương xứng với tiềm năng
Luật Điện ảnh vẫn chưa theo kịp ngành công nghiệp điện ảnh
Trong các loại hình nghệ thuật, duy nhất điện ảnh là có luật riêng điều chỉnh hoạt động, thể hiện đây là ngành có ý nghĩa chiến lược trong phát triển nghệ thuật nói riêng và công nghiệp văn hóa đất nước nói chung.
Qua 13 năm thi hành Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ ngày 1/10/2009), bộ môn nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, thu hút được nhiều thành phần tham gia hoạt động, đưa điện ảnh đến với công chúng vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi… và hòa vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội và sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Luật Điện ảnh chưa quy định được chính sách để bảo vệ điện ảnh dân tộc.
Cụ thể, chưa quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam ở các phòng chiếu và khung giờ chiếu; tỷ lệ phòng chiếu phim của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 40 phim của Việt chiếu ở rạp, trong khi phim nhập khẩu lên tới hơn 200 phim.
Trong số hơn 900 phòng chiếu phim, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài chiếm hơn 60%, công ty tư nhân chiếm gần 30% và đơn vị nhà nước quản lý 10%. Tình trạng phim Việt sản xuất không có phòng chiếu, không được chiếu vào các giờ “vàng”, bị o ép tỷ lệ chia doanh thu kéo dài nhiều năm nay.
Một điều đáng lưu ý, vấn đề khai thác, phổ biến, xem phim trên môi trường internet lại chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, nhiều dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam phải chuyển bối cảnh do chưa có quy định thống nhất, giấy phép chồng chéo.
Hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang dần hoàn thiện, gồm 8 chương, 48 điều. Các điều khoản được xây dựng dựa theo những chính sách, nhằm phát triển công nghiệp ĐAVN mà Đảng và Nhà nước đã định hướng.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều điểm mới, có khả năng tác động mạnh mẽ đến ĐAVN, nhưng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn sơ sài, cần nhiều ý kiến nghiên cứu, đóng góp thêm để có được một hành lang pháp lý, đưa ĐAVN phát triển, hội nhập.
Một nhiệm kỳ mới với một Ban chấp hành tương đối “trẻ” so với các nhiệm kỳ trước có thể hy vọng cho ĐAVN một cuộc cách mạng đổi mới toàn diện, đưa ĐAVN phát triển thực chất và cùng tranh đua với các nền điện ảnh khu vực, thế giới.
Đại hội không bầu được Chủ tịch
Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IX của Hội Điện ảnh Việt Nam mới chỉ bầu ra được Ban chấp hành khóa IX gồm 15 thành viên và chưa bầu ra được Chủ tịch Hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội của Hội Điện ảnh Việt Nam không bầu được chủ tịch. Trước đó, Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII của Hội Điện ảnh Việt Nam đã xây dựng đề án nhân sự theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đại hội Các hội Văn học Nghệ thuật và Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, cả phương án nhân sự chính thức và nhân sự thay thế đều đã không được thông qua.
Ban Chấp hành gồm: Diễn viên Mai Huyền Linh, NSƯT Công Hậu, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Chánh VP Hội ĐAVN Nguyễn Văn Tân, Biên kịch Dương Cẩm Thúy, NSND - Đạo diễn Lê Hồng Chương, Diễn viên Mai Thu Huyền, PGS-TS.Họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, NSƯT Thanh Loan, NSND Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Hùng, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phạm Ánh Tuyết, NSƯT Trịnh Lê Văn, Châu Ngọc Ẩn.