Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, lúc 7h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão. So với dự báo lúc 4h sáng nay, bão Goni đã giảm một cấp.
Trong hôm nay, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 7h ngày 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp.
Dự kiến hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Goni. Ảnh: NCHMF
Hai ngày tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 7h ngày 4/11, vị trí tâm bão cách Quảng Nam khoảng 300 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 220 km, cách Phú Yên khoảng 240 km, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật cấp 10.
Những ngày tiếp theo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất 50 km/h, cấp 6, giật cấp 8.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão hiện mạnh 75 km/h, giật 111 km/h, đến ngày 3/12 tăng lên 83 km/h, giật 120 km/h và giữ nguyên cường độ khi đi vào đất liền nước ta. Đài Hong Kong dự báo bão mạnh 85 km/h và đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12 đến 17, từ kinh tuyến 112,5 đến 120 độ. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai hôm 31/10 đã ra công điện yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ bão Goni. Thông báo cho tàu, thuyền để chủ động phòng tránh; các lực lượng sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn.
Đối với các hồ đập thủy lợi, thủy điện xung yếu, cơ quan chức năng và đơn vị vận hành được yêu cầu chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; trực chiến để xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
Goni là cơn bão thứ mười trên biển Đông trong năm nay và ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trước đó trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong chuỗi số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam. Mưa lũ, sạt lở đất hậu bão vừa qua đã làm 159 người chết, 71 người mất tích