Tà áo hay hồn gió nước

Đăng bởi Duy tuyên

19/11/2020 19:07

Nếu chỉ để mang tính nghiêm túc và phù hợp với tập quán đạo đức xã hội thì việc ăn mặc chỉnh tề ra đường chưa hẳn là nét riêng của người Hà Nội. Câu tục ngữ “ăn Bắc, mặc Kinh” nói lên một thực tế khác. Đó là một khao khát làm điệu, phô bày vẻ đẹp với cộng đồng cả nước vốn lấy vùng Thăng Long - Kẻ Chợ làm trung tâm.

Từ cung đình ra đến bình dân

Sự tập trung của tầng lớp quý tộc tại Thăng Long đã sinh ra những khu vực phường thợ chuyên về dệt vải và nhuộm, như các phường Đồng Lạc, Diên Hưng và nhất là Hàng Đào, phục vụ cho nhu cầu của tầng lớp này. Địa danh Trúc Bạch ghi dấu quá khứ khi những cung nữ quá thời được cho ra khỏi cung sau khi vua băng hà, họ về lập xóm dệt lụa trắng ven các hồ nước bên ngoài tường thành. Những làng dệt the, lĩnh, lụa ở vùng Bưởi hay Vạn Phúc sau này được truyền tụng về khả năng đáp ứng nhu cầu khắt khe về chất liệu vải cho chốn cung đình.

Ban đầu, tiêu chí trang phục cho thứ dân ở kinh đô khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn tháng Bảy năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị 2 (1664), có lệnh cấm mang trang phục sai pháp chế. Người ta quy định chi tiết, như áo dân ống tay rộng 9 tấc, chỗ nách rộng 7 tấc 8 phân; thấy kẻ nào mặc không đúng pháp chế, các quan đề lĩnh và xá nhân được phép lột áo ra để luận tội. Trang phục khi đi ra đường của các tầng lớp thể hiện đúng thứ bậc trong xã hội, thậm chí phụ nữ cũng mặc theo phẩm cấp của chồng...

Tuy nhiên, với phụ kiện như khăn, thắt lưng, yếm, người phụ nữ được thoải mái sáng tạo về màu sắc. Chiếc thắt lưng là nơi phô bày sự duyên dáng và giàu có của nữ chủ nhân, dây xà tích hay các đồ trang sức gắn với tục ăn trầu. Cái tên Hàng Đào gắn với màu của chiếc yếm đỏ, mà tuyến phố này từng có tên Hàng Yếm, phần nào cho thấy sự phát đạt của công việc sản xuất đáp ứng một phân khúc hẹp của sản phẩm thời trang. Cho dù chỉ phô bày ý nhị nhưng chiếc yếm có màu nổi bật là một nét điệu thời trang phố thị...

Ý nghĩa tà áo dài truyền thống Việt Nam

Ảnh minh họa nguồn internet

Sự quyến rũ của một không gian văn hóa

Những tác động của văn hóa trang phục Âu Tây làm biến cải diện mạo người Việt trước hết ở các đô thị, mà Hà Nội là nơi diễn ra những sự thay đổi theo hướng “Âu hóa” sớm nhất, mạnh nhất. 

Vào những năm 1920, các nhà trí thức chủ trương canh tân xã hội đã bắt đầu từ chính trang phục nơi công cộng. Các học giả như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh hay Phạm Quỳnh đã cắt tóc ngắn, mặc âu phục, mà như Phạm Quỳnh đã ghi lại, ban đầu ông cảm thấy thật vướng víu, khó chịu, “ấy vậy mà chỉ vài hôm đã thấy quen như thường”. Hoàn cảnh giao tế xã hội cho thấy việc mặc đồ Tây thuận lợi hơn, song không thể phủ nhận sức chinh phục của một xã hội vật chất từ Pháp hay châu Âu đổ bộ vào. Mặc như người ở “chính quốc”, ở Paris, đã trở thành tiêu chuẩn bất thành văn cho những ai muốn được ghi nhận là người “văn minh”.

Một trong những thuận lợi của người thời nay khi muốn tìm hiểu về cách ăn mặc của người Hà Nội là các tàng thư, sách vở, báo chí ghi lại khá phong phú sự đổi thay trong đời sống thời trang công cộng của thị dân. Sự lớn mạnh của tầng lớp tư sản thành thị và thanh niên tân học là điều kiện hấp dẫn cho sự thắng thế của bộ âu phục đối với nam giới và áo dài tân thời với nữ giới.

Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội ở nơi công cộng thường được mặc định gắn với tà áo dài tân thời, và nói chung gắn với hoạt động của tầng lớp thị dân. Đây là tầng lớp tiêu thụ các sản phẩm văn hóa nổi bật có ảnh hưởng từ văn hóa Pháp pha trộn với những khuôn mẫu Nho phong Á Đông. Các sản phẩm có màu sắc lãng mạn, cổ vũ cho một điệu sống hợp với điệu tâm hồn tinh tế, lấy sự thưởng ngoạn văn hóa làm trọng và duy trì một trật tự nền nếp ổn định trong gia đình và xã hội. Chiếc áo dài tân thời do các họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ lăng xê đã góp một nét quan trọng cho trang phục nữ giới nơi công cộng: Sự thanh lịch và quyến rũ nữ tính. Tà áo đã trở thành một ẩn ức thẩm mỹ: “Tà áo mới cũng say mùi gió nước/ Rặng mi dài xao động ánh dương vui” (Huy Cận).

Nhìn rộng ra từ lịch sử trang phục, cư dân Hà Nội đã thừa hưởng đời sống vật chất có sự nhỉnh hơn các vùng quê, cũng như chịu sự tác động của đời sống cung đình nhiều thế kỷ hoặc vai trò của lối sống du nhập từ Pháp trong một giai đoạn. Nhờ vậy mà việc phục sức trước bàn dân thiên hạ của họ cũng ngầm định hình một bản sắc thị dân khác biệt. Ở đó, người ta có thể tìm thấy sự chưng cất chắt lọc của thẩm mỹ, của sự phong lưu và sự huê tình của một cộng đồng đề cao nết ăn mặc.

Duy tuyên
Nguồn https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/823584/ta-ao-hay-hon-gio-nuoc1
Bạn đang đọc bài viết "Tà áo hay hồn gió nước" tại chuyên mục Diễn đàn. Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động của Công ty Cổ phần Truyền thông Pháp luật và Thời đại và sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu và trên Website http://phapluatvathoidai.vn/ theo ĐKKD số 0108933403 ngày 04/03/2020 của Sở KH&ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.